Thu mua hải sản tại Cảng cá Mỹ Tân. Ảnh: Thanh Long
Mỹ Tân ngày nay bao gồm 2 thôn là Mỹ Tân 1 và Mỹ Tân 2, cùng với 2 thôn Mỹ Phong và Mỹ Hiệp, đã hình thành xã Thanh Hải có diện tích tự nhiên 652,4 ha. Tuy nghề nông cũng khá phát triển, nhưng trong tổng dân số trên 8.300 người thì đã có xấp xỉ 70% hộ dân làm nghề biển, nên Thanh Hải được coi là xã có thế mạnh về kinh tế biển. Nếu chỉ kể tàu công suất trên 90 CV, toàn xã hiện có 70 chiếc, trong đó từ 210 CV trở lên có 20 chiếc, nhưng nhiều nhất là tàu từ 110 đến 300CV. Riêng tại Mỹ Tân 1 còn có 2 chiếc 340 CV, 1 chiếc 350 CV, 2 chiếc 370 CV và 1 chiếc 400 CV, là những tàu dẫn đầu về năng lực đánh bắt của xã. Anh Lê Văn Tám, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hải cho biết: Từ khi có sự kiện Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, ngư dân ở đây bắt đầu hâm nóng quyết tâm hướng ra khơi xa, bám biển dài ngày để vừa đánh bắt hải sản, vừa bảo vệ chủ quyền vùng biển. Vừa rồi đã có khoảng trên 30 ngư dân đăng ký đóng mới tàu công suất lớn, thậm chí là tàu vỏ sắt nếu được hỗ trợ cho vay vốn của Nhà nước.
Nghề đánh bắt hải sản ở Thanh Hải thịnh hành nhất là các nghề pha xúc, vây rút chì, vây rút mùng với các tàu cá công suất lớn. Trong những tháng đầu năm nay, ngư dân Thanh Hải đã khai thác đạt sản lượng 3.651 tấn (bằng 77,6% kế hoạch cả năm), đặc biệt các tàu vây rút chì cũng đã bắt đầu khai thác được cá khơi xa. Chúng tôi đã có dịp gặp gỡ trò chuyện với một số ngư dân và cảm nhận được tình cảm của người dân luôn hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, về chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Anh Nguyễn Đình Quang, thuyền viên trên một chiếc tàu tình nguyện đi khai thác ở vùng biển, đảo nói: Tôi là tài công, nhưng với những gì nghe thấy trên đài, trên ti-vi tôi thấy mình phải có trách nhiệm chia sẻ khó khăn với tàu cá các tỉnh bạn đang có mặt ở vùng biển Hoàng Sa. Hiện Thanh Hải đã có 5 tàu cá công suất lớn đăng ký khai thác khơi xa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Tại thôn Mỹ Tân 1, qua tiếp xúc với anh Nguyễn Toàn, một trong 5 chủ tàu cá tình nguyện đi khai thác vùng biển xa. Theo anh, trước sự kiện Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, đâm chìm tàu cá ngư dân, hầu hết ngư dân phản đối mạnh mẽ hành vi vô nhân đạo của Trung Quốc và biểu thị lòng yêu nước, việc tham gia bám biển, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc là bổn phận của công dân.
So với hơn 15 năm trước, miền biển Thanh Hải đã có bộ mặt mới, Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng bến cá Mỹ Tân. Song theo thời gian, nghề cá đã phát triển mới nên bến nhỏ không còn phù hợp nữa. Anh Lê Văn Tám, tâm sự: Mọi tình cảm của ngư dân nơi đây đều hướng về vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Cái băn khoăn nhất là bến Mỹ Tân đã “quá tải”, chúng tôi mong được mở rộng để tàu thuyền có chỗ neo đậu, vì hiện tại mỗi khi nước ròng, con lạch nhỏ không đủ cho tàu cá 500 CV đi vào. Tôi tin nếu mở rộng luồng lạch, ngư dân Thanh Hải sẽ vươn mạnh ra khơi xa, khai thác hải sản và làm tròn nghĩa vụ khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.
Bạch Thương