Dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam bao gồm 10 Chương, 63 Điều quy định nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam, của tổ chức, cá nhân trong hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Thảo luận về dự án Luật, đa số đại biểu nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng dự án Luật. Các đại biểu lưu ý, những quy định trong Luật cần đơn giản hóa về thủ tục hành chính trong hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, đồng thời phải chặt chẽ trong công tác quản lý để bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII.
(Ảnh: dangcongsan.vn)
Đại biểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nêu ý kiến: Hiện nay, công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam còn thiếu đồng bộ, chưa thống nhất, chưa cụ thể giữa yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và sự phân công trách nhiệm giữa Bộ Công an và các Bộ, ngành hữu quan trong công tác quản lý người nước ngoài; do đó, có lúc, có nơi còn đùn đẩy trách nhiệm.
Để đảm bảo tính khách quan trong việc quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Huỳnh Sang đề nghị, dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan.
Về quyền, nghĩa vụ của người nước ngoài, một số đại biểu cho rằng: Dự thảo Luật có quy định quyền của người nước ngoài được Nhà nước bảo hộ về tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, quy định như vậy chưa đầy đủ vì nội dung bảo hộ này phải bao gồm cả quyền nhân phẩm, danh dự của người nước ngoài.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị, nên xem xét, bổ sung quyền giữ gìn văn hoá truyền thống dân tộc, phong tục tập quán của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam vào Điều 45; đồng thời, bổ sung thêm ở Điểm a, Khoản 1 quyền được bảo hộ danh dự, bởi đây cũng là một quyền thuộc quyền của con người.
Một số đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo điều chỉnh quy định người nước ngoài vào Việt Nam để đầu tư thì phải có giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư là chưa tạo điều kiệu thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, do thủ tục để xin được giấy phép đầu tư thường phải mất rất nhiều thời gian, thậm chí phải mất từ 2 đến 3 năm.
Về điều kiện nhập cảnh và các trường hợp chưa cho nhập cảnh, một số đại biểu đề nghị, cân nhắc quy định người nhập cảnh theo diện miễn thị thực, hộ chiếu còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày.
Tuy nhiên, với đề nghị trên, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho rằng: Quy định hộ chiếu của người nước ngoài nhập cảnh theo diện miễn thị thực phải còn thời hạn ít nhất 06 tháng là phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), trong đó, Việt Nam là thành viên; việc quy định phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày là nhằm hạn chế tình trạng người nước ngoài sử dụng thị thực du lịch nhưng thực chất là làm việc cho các dự án. Khi thị thực hết hạn, họ xuất cảnh và lại nhập cảnh ngay sau đó để làm việc, gây khó khăn cho công tác quản lý lao động người nước ngoài (quy định này không áp dụng đối với người sử dụng hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ). Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật (Điều 20).
Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; nghe Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Ngày mai, Quốc hội làm việc ở hội trường, cho ý kiến về hai dự án luật: Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); đồng thời, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 2 dự thảo Luật là: Luật Xây dựng (sửa đổi) và Luật Đầu tư công./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam