Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế tập trung vào một số nội dung quan trọng: Sửa đổi các quy định về bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế; về quy định tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; về quản lý, phân bổ sử dụng và xử lý kết dư, bội chi quỹ bảo hiểm y tế; quy định giảm mức cùng chi trả đối với thân nhân người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; về thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với bệnh nhân tự đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày trước Quốc hội nêu rõ: Trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp trước, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua kỳ này đã quy định BHYT là hình thức bắt buộc được áp dụng đối với mọi đối tượng.
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật, đa số đại biểu Quốc hội tán thành cao với việc thực hiện BHYT bắt buộc, tạo tiền đề cho việc triển khai BHYT toàn dân.
Các đại biểu cho rằng, tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia BHYT mang ý nghĩa nhân văn vì lợi ích chăm sóc sức khỏe cho người dân, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, như: Các quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; quy định về bắt buộc chữa bệnh đối với người mắc bệnh tâm thần thể nặng, bệnh lao, phong đang thời kỳ lây truyền, bệnh lây truyền qua đường sinh dục và một số bệnh truyền nhiễm khác có thể gây nguy hại cho xã hội trong Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân; hay quy định đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá đối với quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá...
Để đảm bảo tính khả thi và thúc đẩy việc thực hiện chính sách BHYT bắt buộc, nhiều đại biểu đề nghị: Nhà nước phải tăng cường hoạt động tuyên truyền, vận động các đối tượng, bố trí nguồn lực đảm bảo, nâng cao y đức và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh (KCB); đổi mới phương thức thực hiện chính sách BHYT để vừa khuyến khích, vừa hỗ trợ người dân chủ động tham gia BHYT; nâng cao trách nhiệm an sinh đối với bản thân, gia đình và xã hội; đồng thời, tổ chức để người dân có thể tiếp cận và đóng BHYT theo hộ gia đình được thuận lợi tại tất cả các địa bàn trên phạm vi cả nước.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu: Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái), Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp), Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang), Tô Văn Tám (Kon Tum) tán thành với quy định bảo hiểm y tế bắt buộc, vì nếu không thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc, những nhóm dân có khả năng kinh tế cao, sức khỏe tốt sẽ không tham gia mua bảo hiểm, chỉ tập trung vào những người có kinh tế và sức khỏe yếu kém mới mua nên không tạo ra được sự chia sẻ rủi ro. Tuy nhiên, Nhà nước nên có hình thức bảo hiểm y tế bổ sung với đối tượng có thu nhập cao, muốn lựa chọn dịch vụ chất lượng cao hơn.
Đồng quan điểm với các đại biểu trên, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định) cũng cho rằng: Nhà nước cần có quy định chặt chẽ để đảm bảo tính khả thi, nghiêm minh và có chế tài xử phạt đủ mạnh đối với trường hợp trốn tránh, không đóng bảo hiểm y tế bắt buộc; song song với đó cũng cần đơn giản hóa thủ tục mua bảo hiểm y tế, cấp thẻ bảo hiểm y tế, đặc biệt nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, linh hoạt để mọi người dân có thể tiếp cận khám chữa bệnh BHYT; đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân nhằm thu hút đông đảo người dân tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.
Góp ý về việc thanh toán khám chữa bệnh BHYT với bệnh nhân tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến, nhiều ý kiến đại biểu không đồng tình với đề nghị bỏ quy định tuyến khám chữa bệnh (KCB). Người tham gia BHYT được hưởng 100% chi phí KCB BHYT khi đi KCB tại bất kỳ cơ sở y tế nào, bởi theo quy định pháp luật hiện hành, trường hợp cấp cứu, người bệnh có thể đến bất kỳ cơ sở y tế nào để KCB và được quỹ BHYT chi trả. Với các trường hợp không phải cấp cứu thì sẽ theo tuyến chuyên môn kỹ thuật y tế từ thấp đến cao. Quy định này nhằm tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân, đồng thời góp phần sử dụng quỹ BHYT hợp lý. Trong điều kiện hiện nay, quy định như trong dự thảo Luật về tuyến KCB đối với người tham gia BHYT là tương đối hợp lý.
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) chia sẻ, việc được thanh toán theo các mức khác nhau tùy theo khám tại bệnh viện tuyến nào là chưa phù hợp. Với bệnh trọng, nên tạo điều kiện cho bệnh nhân chuyển lên tuyến trên kịp thời. Nên tăng mức chi trả BHYT nếu khám ở tuyến trung ương là 30%, thay vì 20% như dự Luật.
Tuy không ủng hộ khám trái tuyến, vượt tuyến, nhưng các đại biểu: Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắc Nông), Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định) cho rằng: Trên thực tế, chúng ta không thể ngăn được người dân khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến, trong đó có lý do chính là do chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới không đạt yêu cầu. Vấn đề đặt ra là, chúng ta phải hạn chế quá tải phải bằng cách khắc phục các bất cập hiện nay, tạo sự tin cậy của người dân với các bệnh viện tuyến dưới, rút ngắn khoảng cách về công nghệ, chuyên môn giữa các bệnh viện ở các tuyến, tạo sự bình đẳng trong khám chữa bệnh…
Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung khái niệm khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến, khám chữa bệnh ở những địa bàn giáp ranh, không được coi là khám chữa bệnh trái tuyến; linh hoạt, công bằng trong mức đóng BHYT, gắn với các mức hưởng dịch vụ y tế khác nhau, tạo sự hấp dẫn cho các loại hình BHYT tự nguyện.
Được biết, để tạo điều kiện cho người dân được linh hoạt trong khám chữa bệnh, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: Quỹ BHYT thanh toán cho cả những trường hợp tự lên khám chữa bệnh tuyến trên kể cả nội trú và ngoại trú, với mức thanh toán như nhau là 20%, 50%, 70%; đồng thời bổ sung quy định người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa khu vực, hoặc bệnh viện huyện được quyền khám chữa bệnh BHYT tại phòng khám đa khoa khu vực và bệnh viện huyện trên cùng địa bàn huyện, tại trạm y tế xã nơi người đó cư trú mà không coi là trái tuyến, vượt tuyến.
Ngoài những nội dung trên, đại biểu Quốc hội cũng thảo luận cho ý kiến về việc phân bổ sử dụng, quản lý Quỹ BHYT; về quy định giảm mức cùng chi trả đối với thân nhân người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; về thẻ BHYT…
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng 22/5, Quốc hội đã nghe Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi).
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam