Từ đồi núi cho đến đồng bằng, những đồng cỏ hoang sơ hay trên những rẫy màu đã thu hoạch chỉ còn trơ lại cỏ…, nơi nào cũng thấy bóng dáng của những cậu bé cùng đàn cừu lông trắng tạo nên một trong những hình ảnh đặc trưng của miền đất nắng gió này.
Những cậu bé chăn cừu là hình ảnh quen thuộc ở vùng đất nắng gió Ninh Thuận.
Như một lẽ đương nhiên, các cậu bé chăn cừu rất hiểu cừu. Một cậu bé chăn cừu ở Ninh Phước tâm sự: “Em rất thích cừu vì cừu vừa hiền lành lại dễ nuôi. Cừu rất chịu khó, cần mẫn gặm cỏ mà ít chạy nhảy lung tung như dê hay bò. Khi nào ăn hết cỏ chúng mới đi tiếp”. Quả thật, giữa cái nắng như đổ lửa, đàn cừu vẫn tha thẩn trên đồng, trên những gò đất nóng bỏng để kiếm ăn, khi ấy cũng chính là lúc những cậu bé chăn cừu tìm một nơi râm mát cho mình.
Một cậu bé khác kể: “Nhà em có 40 con cừu. Em đảm nhận chăn cừu buổi sáng từ 8h tới 10h là lùa cừu về. Lúc đợi cừu ăn cỏ, em thường ngồi ở gốc cây lớn để hóng mát, uống chút nước hay lấy ít đồ ăn mang sẵn từ nhà ra nhâm nhi. Thi thoảng gặp những người bạn chăn cừu gần đó thì cùng ngồi nói chuyện về trường lớp. Cũng có khi em dẫn em của mình đi cùng, 2 anh em ngồi vui đùa cùng nhau”. Có cảm giác rằng với cậu, chăn cừu là một công việc nhẹ nhàng và mang lại nhiều niềm vui, cũng như sự dạn dĩ trong công việc. Một cậu bé chăn cừu ham học ở Ninh Sơn lại chia sẻ rằng: “Em luôn mang theo sách vở khi đi chăn cừu. Vì những lúc đợi cừu ăn cả tiếng đồng hồ, em có thể xem lại bài cũ và học bài mới”. Vậy là, mỗi cậu bé đều biết tự tìm cho mình niềm vui riêng trong công việc.
Trong quá trình chăn cừu cũng có nhiều chuyện thú vị. Theo lời kể một cậu bé ở Thuận Nam thì những chú cừu nhà cậu được sơn xanh đánh dấu trên lưng để dễ nhận diện. Có khi cừu gặp vũng nước nông và đằm mình dưới đó, lúc lên bờ thì những màu sơn và màu lông lem nhem bùn đất mà như lời cậu là “trông rất bẩn nhưng lại dễ thương”. Cậu cũng cho biết thêm, chăn cừu phải để ý xem chỗ bờ ruộng nào mà người nông dân mới phun thuốc thì không để cừu tới đó, tránh mang bệnh vào cừu.
Có không ít cậu bé cho rằng việc lùa cừu đi ăn lúc sáng sớm là khó khăn nhất do lúc đó cừu đói, lại vừa sổng chuồng nên dọc đường đi tới chỗ kiếm ăn thì cừu thường rất “phá”, phải biết “điều khiển”, “chế ngự” chúng bằng thứ “ngôn ngữ đặc biệt” như vỗ tay, hô to hay làm động tác giả để cừu không “xâm phạm” tới vườn hoa, cây cảnh nhà người khác.
Khi tôi hỏi các em về truyện ngụ ngôn “Cậu bé chăn cừu và con sói” thì nhiều em nhìn tôi, cười và nói: “Cũng là những cậu bé chăn cừu nhưng chúng em không nói dối giống cậu bé đó đâu chị ạ”. Nhận được câu trả lời, cả tôi và các em đều cười phá lên. Trò chuyện với các cậu bé chăn cừu quả thú vị!
Nguyễn Tuyến