Theo chân người quen đến điểm làm yến ở đường Cao Thắng (phường Đạo Long,Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Từ đầu ngõ, ấn tượng đầu tiên khi len vào tai chúng tôi là “tiếng nhạc chén” (âm thanh được tạo ra khi chiếc nhíp gấp lông gõ vào thành chén đựng nước) khi leng keng, khi lốc cốc, lúc trầm, lúc bỗng... cùng với tiếng chim đang phát ra từ máy dẫn dụ chim yến hòa vào nhau tựa như dàn nhạc hợp xướng, làm dịu đi phần nào cái nắng gay gắt giữa ngày hè
Ảnh minh họa.
Bên dưới một nhà nuôi chim yến, anh Phong chủ nhà chim đón chúng tôi với nụ cười thân thiện. Anh chia sẻ: Để hoàn tất một sản phẩm tổ yến bán ra thị trường mất nhiều thời gian lắm. Trước tiên là nhặt bỏ những lông lớn và tạp chất bên trong lòng tổ yến ,tiếp đó là nhặt lông măn, kết thành tổ, vá lại tổ, sấy tổ... trong đó chiếm nhiều thời gian nhất là công đoạn nhặt lông”. Nói thì đơn giản nhưng “quy trình” làm cũng khá kỳ công.
Tổ yến thô (tổ còn nguyên lông và các tạp chất bên trong tổ yến) sau khi ngâm trong nước từ một đến hai tiếng đồng hồ cho nở sẽ được rút những lông lớn, các loại tổ khác nhau sẽ có thời gian ngâm khác nhau, thường thì ngâm 3 tiếng trở lên. Sau khi ngâm kích thước tổ sẽ lớn hơn rất nhiều so với trước khi ngâm, sau đó vắt ráo nước và cho vào thau chà liên tục từ thau này đến thau khác, công đoạn này lập đi lập lại nhiều lần đến khi yến sạch bớt lông là được. Nhìn vào dĩa yến đầy những lông măn trên bàn, chị Vi - người có kinh nghiệm 6 năm làm công việc này chia sẻ: “Công việc này không nặng nhọc tuy nhiên người làm phải thật khéo léo, thật tỉ mỉ và chịu khó”. Một ngày chị làm được 100 gram tương đương 10 tổ yến thô với giá 120.000 đồng.Bình quân mỗi tháng chị kiếm hơn 3 triệu đồng.Trung bình 100 gram tổ yến thô khi làm ra thành phẩm sẽ còn khoảng 75-80 gram. Vì lẽ đó khi làm phải tập trung nếu không sẽ làm sót lông và hao hụt yến.
Tại điểm làm yến gia công trong nhà hàng Song Hưng trên đường Thống Nhất, không khí làm việc nghiêm túc không một tiếng nói, chỉ nghe tiếng nhíp gõ nhịp len ken. Cũng giống như chỗ anh Phong, lao động ở đây chủ yếu là chị em phụ nữ ở các độ tuổi khác nhau. Các chị làm việc và hưởng lương theo sản phẩm. Chị Nga ở phường Mỹ Phước, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm cho biết: công việc này làm không khó chỉ cần nhanh tay, lanh mắt và kiên trì là được, vừa nói bàn tay chị vừa mần mò từng nhúm yến, vừa thoăn thoắt gắp từng đoạn lông bỏ vào chén nước, chẳng mấy chốc chị đã làm xong một tổ yến. Chị trải lòng: trước kia chị thường làm công việc phụ bếp cho các quán ăn, quán cà phê trên địa bàn tỉnh, đồng lương ít ỏi lại hay làm về khuya cuộc sống gia đình bấp bênh. Từ ngày đi làm công việc này thu nhập khá hơn, kinh tế gia đình được cải thiện đáng kể.
Yến sau khi được nhặt sạch, vắt ráo nước sẽ được kéo sợi và kết thành tổ sau đó sấy khô và bán ra thị trường. Nghề nhặt lông yến trở thành “nghề hot" hiện nay ở tỉnh ta, góp phần tạo việc làm cho người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này ngoại trừ Nhà máy chế biến yến sào Phan Rang có đội ngũ công nhân lành nghề thì đa số lao động làm công việc này chủ yếu làm theo kinh nghiệm chưa qua một lớp tập huấn nào.
Hồng Chỉ