QUYẾT TÂM BẢO VỆ CHỦ QUYỀN THIÊNG LIỀNG CỦA TỔ QUỐC

Ngư dân Khánh Hội hướng về Hoàng Sa

(NTO) Trong những ngày Biển Đông “dậy sóng” do Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chúng tôi đến làng biển Khánh Hội, xã Tri Hải (Ninh Hải) và ghi nhận được sự phản đối của ngư dân nơi đây.

Từ 5 chủ tàu cá đăng ký tình nguyện ra khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa trước đó, nay Khánh Hội đã có thêm 8 tàu tiếp tục đăng ký và vùng biển Hoàng Sa đã trở thành đề tài chính trong các cuộc bàn luận của ngư dân.

Anh Lê Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Tri Hải cho biết: “Trước sự kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển, đảo và đuổi đánh ngư dân nước ta, ngư dân Khánh Hội đã biểu lộ sự đoàn kết và lòng yêu nước rất rõ ràng, mọi người coi sự góp mặt của mình ở vùng biển Hoàng Sa là nghĩa vụ thiêng liêng, ngay cả các chủ tàu cá công suất nhỏ cũng sẵn sàng lên đường nếu được phép của Nhà nước”. Trong số những ngư dân chúng tôi tiếp xúc đầu tiên có ông Phạm Chánh, nguyên là cộng tác viên nghề cá của Sở Thủy sản trước kia, do sức khỏe đã giao lại con tàu 410 CV hành nghề lưới vây cho con trai là anh Phạm Thức. Khi nghe chúng tôi đề cập tới sự kiện Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển Hoàng Sa của nước ta, ông bộc bạch: “Mình cảm thấy bực tức không chịu nổi, nhưng tôi không còn đi tàu, mọi việc đều do con tôi là Phạm Thức quyết định”. Điều bất ngờ là chính anh Phạm Thức là một trong nhóm người đầu tiên trong thôn đăng ký tình nguyện ra vùng biển Hoàng Sa khai thác hải sản.

 
Chuẩn bị ngư lưới cụ vươn khơi khai thác hải sản xa bờ. Ảnh: Văn Miên

Là làng cá chuyên đánh bắt bằng nghề lưới vây rút chì, Khánh Hội có 97 tàu thuyền (tổng công suất 13.248 CV), trong đó có 25 tàu công suất lớn từ 250 CV trở lên. Những năm gần đây, theo xu hướng phát triển của nghề cá, ngư dân Khánh Hội đầu tư đóng mới 10 chiếc tàu có vỏ dài 20-21 m, lắp đặt máy từ 300 đến 500CV. Ông Nguyễn Trạm, thành viên Ban Vạn lạch thôn Khánh Hội, tâm sự: “Muốn ra được ra vùng biển Hoàng Sa cần có tàu lớn và máy mạnh. Nhiều ngư dân lo lắng chủ yếu vì điều ấy, nhưng một số ngư dân thì khẳng định cứ đoàn kết nhau đi thành đoàn, dìu dắt nhau sẽ đến nơi được, họ tin còn có chính sách Nhà nước hỗ trợ khi tàu gặp sự cố”.

Anh Huỳnh Thanh Chi, vừa đóng mới chiếc tàu công suất 500 CV có vỏ dài 21,1 m, là người đầu tiên của làng biển Khánh Hội tình nguyện bám biển khai thác ở Hoàng Sa, chia sẻ: “Hiểu được đặc điểm nghề lưới vây rút mới cảm được cái tấm lòng của ngư dân ở đây, ai cũng biết mình ra Hoàng Sa là góp phần cùng cả nước khẳng định chủ quyền trên biển, chứ không phải chỉ để làm kinh tế”. Không chỉ đang trong tư thế sẵn sàng lên đường đi Hoàng Sa, anh Huỳnh Thanh Chi còn tác động các ngư dân khác để cùng nhận thức một điều: Nếu không kiên quyết đấu tranh ngăn cản, Trung Quốc sẽ còn lấn tới.

Theo kế hoạch năm nay, Khánh Hội khai thác 2.900 tấn hải sản các loại, tính từ đầu năm đến giữa tháng 5, ngư dân đã đánh bắt được 830 tấn, riêng trong những tháng đầu vụ cá Nam đã đánh bắt ngót 600 tấn cá mực các loại. Vào những ngày này, cứ hoàng hôn buông xuống là người dân trong thôn lại dõi mắt lên ti-vi ngóng đợi tin tức ở vùng biển Hoàng Sa. Nhưng cùng với việc hướng tình yêu ra vùng biển Hoàng Sa, theo ông Nguyễn Trạm, mọi ngư dân đều đang tất bật tập trung cho những chuyến ra khơi, quyết tâm bám biển làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước và trên hết là bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Đồng chí Kiều Đình Minh,

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh:

Việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan HD-981, huy động nhiều tàu quân sự, tàu hải cảnh… trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế nước ta, đâm vào tàu cảnh sát biển, gây thương tích nhiều cảnh sát biển Việt Nam là hành động sai trái, ngang ngược, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Hành động này đáng bị lên án. Trong thời gian qua, có một số phần tử xấu lợi dụng tình hình kích động, xúi giục công nhân lao động (CNLĐ) phá hoại tài sản một số cơ sở sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài, gây mất an ninh chính trị, ảnh hưởng chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Nhằm góp phần bảo đảm an ninh trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chủ đầu tư nước ngoài nói chung và Trung Quốc nói riêng trên địa bàn tỉnh, LĐLĐ tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động CNLĐ không nghe theo các phần tử xấu thực hiện hành động trái pháp luật; đồng thời chỉ đạo CĐCS các doanh nghiệp tăng cường giám sát, nắm rõ tình hình hoạt động CNLĐ tại doanh nghiệp để thông báo kịp thời, từ đó có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh cũng sẽ tiếp tục vận động CNLĐ tích cực tham gia ủng hộ chương trình “Tấm lưới nghĩa tình”, nhắn tin ủng hộ Hoàng sa, Trường sa…

Ông Trương Văn Trung,

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Bắc:

Là một công dân Việt Nam, một đảng viên và một cán bộ Hội Nông dân, tôi kịch liệt phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta. Tôi bày tỏ sự lên án mạnh mẽ về việc làm sai trái của Trung Quốc và hướng về Biển Đông, ủng hộ cán bộ, chiến sỹ ta đang làm nhiệm vụ ngoài khơi. Tôi tin tưởng tuyệt đối vào những quyết định, hành động của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân nắm rõ tình hình, thể hiện lòng yêu nước đúng đắn, không để kẻ xấu kích động và lợi dụng. Bản thân tôi cùng gia đình và tập thể cán bộ, công nhân viên chức trong cơ quan đã và sẽ tiếp tục đóng góp ủng hộ Quỹ “Vì Trường Sa” với một lòng hướng về biển, đảo - vùng chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Jeăk Riềng,

nông dân thôn Bà Râu 1, xã Lợi Hải, Thuận Bắc:

Qua theo dõi tin tức trên báo chí, tôi cũng như nhiều người dân đều rất phẫn nộ trước hành động ngang ngược xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ta của Trung Quốc. Chủ quyền biển, đảo là máu thịt của cả dân tộc Việt Nam, vì vậy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng bào Raglai cũng sẽ đồng lòng, đoàn kết cùng các dân tộc anh em một lòng hướng về biển, đảo, sẵn sàng sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sỹ vững chắc tay súng. Nhân dân thôn Bà Râu nói riêng và người Raglai nói chung càng tự hào hơn vì có những người con, người em đang là những CB-CS đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Dù nơi “đầu sóng ngọn gió” hay đất liền hậu phương, bà con Raglai chúng tôi cũng một lòng tin theo Đảng, nỗ lực hết mình để cùng nhân dân cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.