Dư luận quốc tế tiếp tục chỉ trích các hành vi ngang ngược của Trung quốc trên Biển Đông

Những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông xuất phát từ việc Trung Quốc trái phép hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận và trở thành đề tài “nóng” trên nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế.

 

Tàu số hiệu 37102 của Trung Quốc đâm vào ngang mạn 1 tàu của Việt Nam.

Ngày 20/5, nhiều tờ báo lớn nước ngoài tập trung đưa tin lễ khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII tại Thủ đô Hà Nội diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp. Một số hãng thông tấn lớn của nước ngoài như NHK, Nasdaq…đã chia sẻ lập trường của phía Việt Nam trong giải quyết quan hệ căng thẳng với Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông.

Hãng thông tấn NHK dẫn lời phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một hành động phi pháp. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết vấn đề này một cách hòa bình.

Cùng ngày, tờ Nasdaq dẫn lời phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “Việt Nam sẽ áp dụng hiệu quả những biện pháp hòa bình nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích dân tộc, dựa trên nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế”.

Tờ ABSCBN News.com, ngày 20/5 có bài viết nêu rõ, chủ đề Biển Đông sẽ chi phối Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra tại Manila (Philippines) từ ngày 22/5/2014. Bài viết dẫn lời người phát ngôn của Tổng thống Philippines Sonny Coloma cho biết Tổng thống Philippines Benigno Aquino III mong muốn gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên lề WEF để cùng thảo luận về cách thức giải quyết những căng thẳng hiện nay trên Biển Đông. Bên cạnh đó, ông Coloma cũng một lần nữa, khẳng định lập trường của chính phủ Philippines nhằm kêu gọi các bên tôn trọng tính thượng tôn của pháp luật, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các quan hệ tranh chấp trên Biển Đông. Quan chức Philippines tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong bối cảnh các cuộc đàm phán về văn kiện quan trọng này đang bị đình trệ. Ông Coloma dẫn lời của Tổng thống Aquino tin tưởng rằng “COC sẽ giúp giảm căng thẳng và hình thành nên một môi trường của niềm tin – góp phần bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Tờ BDN Maine, có bài viết “Vấn đề rắc rối trên Biển Đông” của nhà phân tích Gwynne Dyer cho rằng, trong thời gian trở lại đây, Trung Quốc liên tiếp có những hành động nhằm gia tăng khẳng định chủ quyền trong khu vực. Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với một diện tích rộng lớn ở Biển Đông là một thực tế “không thể chấp nhận được” và rất khó có thể bảo vệ trước luật pháp quốc tế. Những hành động của Trung Quốc chẳng khác nào việc áp đặt “Vùng nhận dạng phòng không” tại phần lớn Biển Đông – một tuyến giao thương hàng hải quan trọng trên thế giới.

Nhà phân tích Dyer cho rằng, lập trường của Trung Quốc có vẻ như nhằm chứng tỏ một điều rằng “bạn sẽ chẳng cần phải chứng minh tuyên bố của mình trước tòa nếu như bạn có thể áp đặt điều này trên thực tế”. Hay nói cách khác, những động thái đơn phương của Trung Quốc trong vài tháng trở lại đây đã cho thấy các nhà cầm quyền tại Bắc Kinh đang bị chi phối bởi "những tư tưởng hiếu chiến".

Tờ The Shillong Times, ngày 21/5 có bài viết “Delhi và Bắc Kinh”, trong đó bày tỏ quan ngại rằng, chính sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến các đường lối, chính sách của tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Bài viết cho rằng, trong bối cảnh ông Modi vừa được bầu làm Thủ tướng mới của Ấn Độ thì việc Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động khẳng định chủ quyền ở Biển Đông được xem là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh Ấn Độ.

Tác giả bài viết bày tỏ quan ngại trước một số diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong khoảng thời gian trở lại đây, liên quan tới việc Bắc Kinh đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo tác giả bài viết, Ấn Độ - với tư cách là một nước có nhiều lợi ích thương tại tại Biển Đông sẽ không thể thờ ơ, đứng ngoài cuộc nếu như căng thẳng tại vùng biển này tiếp tục leo thang. Chưa kể đến một số yếu tố thực tế khác như: Trung Quốc không hề có dấu hiệu lùi bước; bản thân khối ASEAN vẫn chưa tỏ ra quyết đoán trong việc kiềm chế chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc; Mỹ đang bận bịu với những lịch trình dày đặc ở Đông Âu và Tây Á. Thì Ấn Độ - với vị trí là một nước có nhiều hoạt động đầu tư vào Việt Nam và đang thiết lập quan hệ đồng minh chiến lược với Việt Nam sẽ không mong muốn Việt Nam bị Trung Quốc “đẩy lùi về phía sau”.

Tác giả bài viết cho rằng, dưới thời cựu Thủ tướng Manmohan Singh, chính sách Hướng Đông của Ấn Độ đã không đạt được nhiều tiến triển. Chính vì thế, dư luận đang đổ dồn sự chú ý về cách thức đối phó của ông Modi trước những diễn biến phức tạp tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong bối cảnh nhà lãnh đạo này đã từng tỏ rõ lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp biên giới trong chiến dịch tranh cử vừa kết thúc cách đây không lâu.

Nguồn dangcongsan.vn