Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa. (Nguồn: Philosophers-stone.co.uk)
Theo Ngoại trưởng Natalegawa, Trung Quốc luôn chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông trên cơ sở song phương và gạt bỏ sự can dự của bên thứ ba. Tuy nhiên, những căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc không chỉ là vấn đề song phương mà còn là vấn đề của khu vực, vì vậy ASEAN có “trách nhiệm đặc biệt” để đảm bảo hai bên sẽ đối thoại để giải quyết tình hình.
Ông khẳng định hành động của Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong khi Bắc Kinh thường xuyên cam kết thực thi tuyên bố này.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tập đoàn truyền thông Nikkei khi tới Nhật Bản dự Hội nghị "Tương lai châu Á," Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng vấn đề Biển Đông là một trong những vấn đề trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN xét từ góc độ ASEAN có quyền lợi từ sự ổn định của khu vực và ASEAN đang thảo luận Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc, trong khi đã có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký với Trung Quốc năm 2002.
Ông Lý Hiển Long nêu rõ từ góc độ trên, ASEAN sẽ can dự vào vấn đề Biển Đông và sẽ cố gắng hết sức để vấn đề này không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên có nhiều phương diện rất tích cực như hỗ trợ tài chính, phát triển nguồn nhân lực, thương mại.
Chính phủ Malaysia cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến gần đây ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến trình đàm phán nhằm sớm đạt được COC.
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 8 (ADMM-8) ở thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar ngày 20-5, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein kêu gọi các quốc gia liên quan đối thoại hướng tới "xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác, tránh những hành động không cần thiết có thể dẫn tới căng thẳng leo thang và xung đột".
Theo TTXVN