Bôi nhọ Việt Nam - chiêu bài quen thuộc của Trung Quốc

Không những sử dụng giàn khoan Hải Dương 981 như một “hạm đội” ngang nhiên xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, nhà cầm quyền Bắc Kinh còn sử dụng bộ máy truyền thông khổng lồ, mở một chiến dịch nói xấu, thổi phồng tình trạng của một số kẻ quá khích vì phẫn nộ Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam với dã tâm làm méo mó hình ảnh Việt Nam trước cộng đồng quốc tế và xóa nhòa đi hình ảnh hung hăng hiếu chiến mà Trung Quốc đã phơi bày.

Ngay cả một số hãng thông tấn vẫn giữ tư tưởng bảo thủ, không mấy thiện cảm với Việt Nam cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Dưới tiêu đề: “Giàn khoan Hải Dương - 981: Trung Quốc tung đòn bôi nhọ Việt Nam”, Đài RFI tiếng Việt đã vạch trần thủ đoạn nham hiểm của Trung Quốc.

Tàu Trung Quốc liên tục tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam
Ảnh: Cảnh sát biển cung cấp

Bài viết mở đầu: “Lợi dụng sự kiện một số thành phần bất hảo tại Việt Nam mượn danh nghĩa biểu tình chống Trung Quốc xâm lược để đập phá không chỉ cơ sở của người Trung Quốc, mà cả của các nơi khác như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc…, Bắc Kinh đã thổi phồng tình trạng bạo lực tại Việt Nam, thu hút sự chú ý của công luận thế giới, xóa nhòa đi hình ảnh hung hăng hiếu chiến mà Trung Quốc đã lộ rõ khi đưa một hạm đội hùng hậu, hộ tống giàn khoan tiến vào hoạt động trong vùng biển của Việt Nam”.

Bài viết chỉ rõ: ”Dấu hiệu rõ nhất cho thấy là sách lược Trung Quốc đang tiến hành đã có một số hiệu quả là nội dung những bài viết của báo giới quốc tế trong thời gian gần đây, liên quan đến vụ giàn khoan Hải Dương - 981.Trong khoảng một tuần lễ đầu, sau khi Việt Nam công khai lên tiếng tố cáo việc Trung Quốc dùng sức mạnh cắm giàn khoan trong vùng biển mà họ "tranh chấp" với Việt Nam, dư luận quốc tế đã rất thông cảm với Việt Nam, và thường xuyên dùng đến các từ ngữ như "khiêu khích", "phi pháp", thậm chí "ức hiếp nước nhỏ" để chỉ hành động của Trung Quốc.

Và “ … sau những vụ đập phá cơ sở bị cho là của người Trung Quốc tại khu công nghiệp Bình Dương, nối tiếp theo là vụ đập phá, hành hung, gây thương vong cho nhân viên nhà máy thép Đài Loan ở Vũng Áng (Hà Tĩnh), báo chí quốc tế như lại tập trung khai thác đề tài này, với lượng bài viết về diễn biến tại khu vực giàn khoan ngoài Biển Đông ít hẳn đi, và khi nói về phong trào biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam, các nhà báo hầu như luôn nhắc đến những vụ bạo động."

Bài báo phân tích: “Phải nói là phía Bắc Kinh đã biết lợi dụng thực tế không hay bên lề các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người dân Việt Nam – những sự cố mà một số nguồn tin cho là không phải là do người biểu tình chống Trung Quốc gây nên – để mô tả Việt Nam như là một đất nước thiếu thân thiện với người ngoại quốc nói chung, chứ không riêng gì đối với Trung Quốc.

Bài báo chỉ rõ tính chất nham hiểm của Truyền thông Trung Quốc: ”Nguy hiểm hơn là Bắc Kinh còn nhấn mạnh đến tính chất môi trường kinh doanh thiếu an toàn tại Việt Nam, đúng vào lúc mà Hà Nội đang nỗ lực thu hút đầu tư ngoại quốc vốn càng lúc càng có ý muốn rời bỏ Trung Quốc."

Bài báo nhấn mạnh: “Sách lược bôi nhọ hình ảnh của Việt Nam được tiến hành cả trên bình diện ngoại giao lẫn báo chí, với các lập luận chính thức cho rằng chính quyền Việt Nam đã "đồng lõa" với những thành phần đi biểu tình đập phá cơ sở của Trung Quốc và một vài nước châu Á khác.

Báo chí tại Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông thì liên tục đưa tin về các thiệt hại về vật chất mà nhiều công ty ngoại quốc phải gánh chịu, bên cạnh những lời chứng của những người phải chạy về nước hay qua Cam Bốt (Campuchia) để lánh nạn…

Dưới nhan đề: ”Là thủ phạm gây hấn, Trung Quốc muốn cho thấy mình là nạn nhân!” bài báo vạch trần bản chất dối trá, lừa lọc của truyền thông Trung Quốc: “Theo giới quan sát, mục tiêu của Bắc Kinh tìm cách xóa mờ hình ảnh một Trung Quốc hiếu chiến trong vụ giàn khoan Hải Dương - 981, để nêu bật hình ảnh người Việt Nam hung hăng. Là thủ phạm trong vụ gây căng thẳng trong quan hệ Việt - Trung lần nay, Trung Quốc đã cố gắng mô tả mình như là một nạn nhân.

Một trong những yếu tố nêu bật dụng ý đánh lạc hướng dư luận là quyết định đưa tàu đến Việt Nam để di tản kiều dân – y như là giữa hai nước đang xẩy ra chiến tranh và Việt Nam là một đất nước thiếu an ninh.

Theo ông David Koh, một chuyên gia kỳ cựu về Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, động thái của Trung Quốc gửi tàu đến di tản công nhân của họ "có lẽ là một phản ứng thái quá". Được hãng tin Mỹ Bloomberg trích dẫn chuyên gia này phân tích thêm: "Đây có phải là một hành động cố tình, mang ý nghĩa của một tuyên bố chính trị hay không, điều đó rất khó nói, (nhưng) trong thực tế, tín hiệu đó cũng có thể là nhằm hướng tới người dân Trung Quốc, để nói với họ rằng Nhà nước Trung Quốc thực sự quan tâm đến họ".

Dẫn xã luận của Tân Hoa xã, đăng ngày 18/05/2014, bài báo nhận xét rằng, truyền thông Trung Quốc thể hiện rõ sách lược bôi xấu Việt Nam hiện nay của Bắc Kinh. Bài xã luận được viết bằng tiếng Anh, cho thấy dụng tâm tuyên truyền rõ nét. Mang tựa đề "Việt Nam sẽ bị tác hại kinh tế từ những cuộc biểu tình bạo lực", bài xã luận của Tân Hoa xã mở đầu ngay bằng nhận xét: "Trung Quốc phải tiếp tục sơ tán khẩn cấp công dân của mình từ Việt Nam... sau các hành vi bạo lực chống Trung Quốc bị Hà Nội làm ngơ".

Theo Tân Hoa xã: "Các cuộc biểu tình bạo động do các thành phần thiếu lý trí tiến hành không thể biện minh được trong bất kỳ hoàn cảnh nào và sẽ không tài nào củng cố được đòi hỏi chủ quyền vô căn cứ của Hà Nội đối với lãnh thổ Trung Quốc và các vùng biển xung quanh trong khu vực Biển Đông (ý muốn nói đến quần đảo Hoàng Sa)".

Không dừng lại ở mục đích bôi nhọ, hãng tin Tân Hoa xã còn lên giọng cảnh cáo: "Đối với chính phủ Việt Nam, sự thất bại hoặc sự thụ động trong việc ngăn chặn thảm kịch... chỉ làm hoen ố hình ảnh của Việt Nam trong tư cách là một điểm đến thuận lợi cho đầu tư quốc tế và du lịch, điều có thể mang lại hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Các vụ tấn công chết người và bất ổn xã hội đã làm gián đoạn hoạt động bình thường của các công ty nước ngoài và làm suy yếu lòng tin không chỉ của các nhà đầu tư Trung Quốc, mà của các nhà đầu tư ngoại quốc khác".

Với cùng một luận điệu, nhật báo Anh ngữ China Daily, số ra ngày 19/5, cũng chạy một bài xã luận, nêu bật "Mức độ nghiêm trọng của tình trạng bạo lực" tại Việt Nam đã khiến cho "các công ty nước ngoài phải gánh chịu thiệt hại nặng nề". Tình trạng này, theo tờ báo "đã đặt ra câu hỏi về việc chính phủ Việt Nam có thực sự xem trọng các nhà đầu tư và sự an toàn của các nhà máy nước ngoài hay không".

Tờ báo Trung Quốc nói tiếp: Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông không có khả năng kết thúc sớm cũng như tâm lý chống Trung Quốc "trong số những thành phần cực đoan tại Việt Nam… Đối với giới đầu tư và chính phủ của họ, vấn đề quan trọng không phải là bản thân các cuộc biểu tình, mà là sự bất lực của chính quyền trung ương Việt Nam và của các địa phương trong việc đặt các cuộc biểu tình trong vòng kiểm soát."

Tờ China Daily bồi thêm: "Ở lại hay không ở lại hiện là vấn đề đối với những ai đã có nhà máy ở nước Đông Nam Á này sau khi cơ sở của họ bị những người biểu tình vào cuối tuần trước cướp phá và đốt cháy."

Bài báo của RFI chỉ rõ dã tâm của Trung Quốc: “Song song với ngón đòn trên đây, Trung Quốc còn tăng sức ép trên Việt Nam về mặt ngoại giao, tuyên bố đình chỉ hợp tác với Việt Nam trên một số lãnh vực, và đe dọa sẽ mở rộng thêm. Về kinh tế, Bắc Kinh đã dùng đến biện pháp giảm bớt nguồn du khách đến Việt Nam, mà trong năm ngoái, theo số liệu của Bắc Kinh lên đến 1,8 triệu lượt người.

Về mặt quân sự Bắc Kinh tiếp tục tăng cường lực lượng tàu thuyền đến bảo vệ giàn khoan của họ. Dù huy động lực lượng truyền thông hùng hậu tham gia vào chiến dịch phi nghĩa chống Việt Nam, làm méo mó hình ảnh của một dân tộc yêu hoà bình, cần hoà bình để phát triển, Trung Quốc có thể tạm thời chiếm thế thượng phong nhưng sự thật chính nghĩa và lương tri nhân loại sẽ sớm nhận rõ thủ đoạn đê hèn, dã tâm thâm độc của những kẻ muốn biến Biển Đông thành "ao nhà", lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền thành sân sau của mình. Dù núp dưới mặt nạ nào, điều giả dối cũng sẽ bị lột trần.

Nguồn dangcongsan.vn