Vững vàng nơi tuyến đầu Tổ quốc

(NTO) Với tình cảm và trách nhiệm “Cả nước vì Trường Sa”, mỗi năm có hàng nghìn lượt cán bộ, nhân dân cả nước theo tàu Hải quân Việt Nam ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang sinh sống, làm việc trên quần đảo Trường Sa.

Tôi may mắn được một lần đến và một lần trở lại thăm Trường Sa- mảnh đất kiên trung nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Bao cảm xúc, bao ghi nhận về cuộc sống, ý chí, bản lĩnh, sự hy sinh thầm lặng của mỗi cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đang ngày đêm làm nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng. Tôi tin với những ai từng đặt chân lên đất Mẹ Trường Sa, sẽ mãi lưu giữ như một phần không thể quên của đời người.

Tôi nhớ quang cảnh đảo Trường Sa cái buổi chan hòa tình người đất liền và tình người nơi biên đảo. Chiến sĩ Trường Sa trong bộ quân phục Hải quân nhân dân Việt Nam chỉnh tề đội ngũ đón đoàn công tác ở đất liền ra thăm. Nhân dân trên đảo cũng nô nức tề tựu, đặc biệt là những công dân “nhí” của đảo hân hoan đón chúng tôi như đón những người thân đi xa trở về. Lễ chào cờ Tổ quốc được cử hành, tiếng hát Quốc ca vang lên hùng tráng giữa bao la gió biển, mây trời. Nỗi xúc động, tự hào khác lạ khi được ngắm cờ Tổ quốc tung bay trên mảnh đất cực Đông, tiền tiêu của Tổ quốc.

 
Cán bộ, chiến sĩ hải quân tuần tra trên đảo Sinh Tồn Đông.

Trên quần đảo Trường Sa, thị trấn Trường Sa Lớn giờ đã trở thành “đô thị”. Bên cạnh hạ tầng cơ sở điện-đường-trường-trạm, nhiều công trình văn hóa được xây dựng trên đảo như Tượng đài liệt sỹ, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà khách Thủ đô, Chùa Trường Sa Lớn đáp ứng ngày càng cao nhu cầu văn hóa, tinh thần cho cán bộ và nhân dân. Riêng hệ thống điện sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời bảo đảm cung cấp điện phục vụ sinh hoạt, công tác, sản xuất; trạm thu phát sóng vệ tinh Vinasat của Đài Truyền hình Việt Nam, mạng điện thoại và Internet phủ 100% các đảo và điểm đảo. Đáng kể là đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây còn có khu dịch vụ hậu cần nghề cá là nơi cung cấp nước ngọt, dầu máy, sửa chữa tàu thuyền, hỗ trợ ngư dân nước ta bám biểm dài ngày, góp phần tăng hiệu quả nghề cá. Các đảo ở Trường Sa đang trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân ta đánh bắt xa bờ.

Điều đáng nói là giữa đại dương khí hậu khắc nghiệt nhưng các đảo nổi trên quần đảo Trường Sa bao phủ một màu xanh tươi của cây phong ba, bão táp, bàng vuông, mù u… Những loài cây đặc trưng ấy đã làm cái nắng như thiêu, như đốt của đảo trở nên dịu mát hơn. Trường Sa hôm nay còn có cả những hàng cau, khóm chuối, bóng dừa, đặc trưng của làng quê Việt Nam. Đảo cũng mềm mại hơn, dịu dàng hơn với những sắc hoa mướp vàng, hoa muống trắng, hoa chuối đỏ tươi và những vườn rau xanh mướt. Cả cán bộ, chiến sĩ và người dân cùng tăng gia sản xuất, san sẻ thực phẩm tươi, cải thiện bữa ăn.

 
Hai trong số những người con Ninh Thuận đang làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa-Binh nhất Lê Trung Ngoan (bên phải) và Võ Đăng Khoa (Tri Hải, Ninh Hải). 

So với đảo nổi, đảo chìm “khát nước, khát đất” hơn nhưng tinh thần vượt lên khó khăn của cán bộ, chiến sĩ quả thật đáng khâm phục! Những “vườn treo” rau xanh các loại, khay rau mầm vẫn đảm bảo nguồn thức ăn xanh cho cả đảo. Mùa mưa tích nước, mùa khô sử dụng tiết kiệm nguồn nước ngọt đảm bảo sinh hoạt thường ngày cho mỗi người. Vậy nên, nhìn chung trên đảo đã tự túc được rau xanh và thực phẩm tươi từ chăn nuôi gà, heo, bò và đánh bắt hải sản. Chính vì vậy mà lính đảo Trường Sa ai cũng khỏe, cũng rắn rỏi chắc tay súng canh giữ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Mỗi ngày lưu lại trên đảo Trường Sa qua đi thật nhanh. Những giây phút gặp mặt đất liền- đảo xa ấm áp nghĩa tình. Cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa ít khi thổ lộ về những gian khổ của chính mình, nhưng qua những câu chuyện kể lại, tôi được biết các anh đã hy sinh những mong muốn cá nhân cho nhiệm vụ cao cả bảo vệ biên đảo của Tổ quốc. Nhiều lượt cán bộ đã tình nguyện xin được làm nhiệm vụ ở các đảo của quần đảo Trường Sa chính bằng tấm lòng sắt son của người lính cụ Hồ với Tổ quốc, với đồng bào.

Biển Đông những ngày qua “dậy sóng” khi Trung Quốc ngang nhiên vi phạm luật pháp Quốc tế, hạ đặt giàn khoan xâm phạm chủ quyền biển của Việt Nam chúng ta. Tôi biết, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa đã nặng nề lên nhiều. Trước hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển Việt Nam của Trung Quốc, đồng bảo cả nước cũng đã có những hành động phản đối kịch liệt. Và hơn hết, cả nước luôn luôn sát cánh cùng Trường Sa để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc mình!