Dư luận quốc tế tiếp tục chỉ trích những hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông

Dư luận quốc tế tiếp tục đồng loạt chỉ trích các hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, với nhiều ý kiến cho rằng, “lối hành xử này” của Trung Quốc không chỉ để lại những hậu quả nghiêm trọng, mà còn tác động mạnh mẽ đến quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước khác trên thế giới.

 
Rất nhiều tàu lớn của Trung Quốc tham gia bảo vệ giàn khoan Hải Dương - 981.
(Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam)

Hãng tin Reuters, ngày 16/5 dẫn lời một quan chức kỳ cựu của Mỹ cho rằng, “lối hành xử” của Trung Quốc với các nước láng giềng có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đã khiến mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh bị kéo căng. Quan chức trên cho biết, trong cuộc đối thoại với Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc Phòng Phong Huy đang ở thăm Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức hàng đầu của Mỹ đều cho rằng, các hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông là “nguy hiểm, mang tính khiêu khích và cần phải chấm dứt”.

Ngày 15/5, tờ Bussiness Insider có bài viết “Hành vi leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông là chưa từng có tiền lệ”. Bài viết dẫn lời nhà nghiên cứu Australia Caryl Thayer cho rằng “vụ việc này đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc hạ đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của một nước khác mà không xin phép trước”. Ông Thayer lưu ý rằng, chính quyền Bắc Kinh dường như đã không nắm bắt được “bản chất dễ bùng nổ” của các hành động này.

Trong khi đó, một số nhà phân tích khác lại đặt câu hỏi “tại sao Trung Quốc lựa chọn thời điểm này để gây căng thẳng trong quan hệ với Việt Nam, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ kết thúc chuyến thăm châu Á và trong bối cảnh quan hệ Việt - Trung đang được cải thiện đáng kể trong thời gian trở lại đây”. Xét về khía cạnh này, nhà phân tích Ely Ratner phát biểu trên tờ Bussiness Insider rằng, đây là một bằng chứng cho thấy “tính quan liêu và áp đặt chính trị đang thắng thế trong chiến lược lô gíc của Bắc Kinh”. Hay nói cách khác, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định hạ đặt giàn khoan vào vùng biển Việt Nam mà không suy nghĩ thấu đáo về “các hậu quả chiến lược tiềm ẩn”.

Trả lời phỏng vấn tờ PBS Newshour, ngày 14/5, nhà phân tích Gordon Chang của trang điện tử Forbes.com lưu ý rằng, Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD để hạ đặt một giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh nước này đã ký Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Nhà phân tích này tuyên bố rằng, đây rõ ràng là một hành vi “khiêu khích của Trung Quốc” không chỉ đối với Việt Nam. “Và nếu như nữ phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc muốn chấm dứt những cuộc tuần hành phản đối tại Việt Nam thì điều gì mà Bắc Kinh có thể làm đã quá rõ ràng, đó là rút giàn khoan Hải Dương – 981 khỏi vùng biển của Việt Nam…” – ông Chang nói.

Nhà phân tích của trang Forbes khẳng định, những hành động trên đã bộc lộ điểm yếu của hệ thống chính trị Trung Quốc. “Họ đang gặp khó khăn trong việc sử dụng chủ nghĩa dân tộc để tăng cường pháp lý. Và cách thức tốt nhất để khuấy động chủ nghĩa dân tộc là nhắm vào một người hàng xóm, đặc biệt là Việt Nam” – ông Chang nói. Bên cạnh đó, nhà phân tích này cũng cho rằng, hành động của Trung Quốc còn nhằm mục tiêu “thử thách” Tổng thống Barack Obama bởi diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo Mỹ kết thúc chuyến công du kéo dài 8 ngày nhằm khẳng định chính sách “xoay trục” của Mỹ sang châu Á.

Nhà phân tích này nhấn mạnh, không một nước nào trên thế giới muốn phát động chiến tranh với Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam. Cho dù lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều bước thăng trầm, song hiện tại Việt Nam không theo đuổi và cũng không hề muốn xảy ra xung đột. Tất cả những gì mà người Việt Nam muốn hiện nay chỉ là Trung Quốc rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ông Chang cho rằng, về phía Việt Nam đã thể hiện rõ thiện chí sẵn sàng giải quyết vấn đề thông qua đối thoại một cách xây dựng. “Tuy nhiên, Trung Quốc dường như không muốn đối thoại và tôi cho rằng, đó mới chính là một vấn đề thực sự”, ông Chang nói.

Ngày 14/5, trả lời phỏng vấn báo chí về tình hình leo thang ở Biển Đông, chuyên gia Malcolm Cook – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Flinders ở Adelaide, chuyên gia cao cấp Viện Đông Nam Á đặt trụ sở tại Singapore khẳng định, việc Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đưa giàn khoan Hải Dương – 981 vào Biển Đông rõ ràng là đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002. Sự thực là giàn khoan được đưa vào Biển Đông trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN cho thấy Trung Quốc không mấy để ý tới ASEAN cũng như phản ứng của khối này trước những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 là bằng chứng mới nhất, cho thấy sự thiếu thiện chí trong việc tuân thủ các thỏa thuận đã ký hoặc tham gia vào cuộc đối thoại có tính xây dựng với các nước mà Trung Quốc có tranh chấp.

Trước diễn biến căng thẳng hiện nay trên Biển Đông, Đảng Cộng sản Nhật Bản mới đây đã tổ chức cuộc thảo luận trong đảng về về vấn đề này, sau đó đã ra tuyên bố nêu rõ quan điểm đối với hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 của phía Trung Quốc. Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản - ông Shi Kazuo nhận định, tình hình căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua bắt nguồn từ việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981. Đảng Cộng sản Nhật Bản nhấn mạnh, hành động của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần của tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông - DOC mà Trung Quốc đã ký kết cùng các nước ASEAN vào năm 2002, đồng thời kêu gọi các bên liên quan cần thực thi văn kiện quan trọng này một cách đầy đủ và nghiêm túc.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam