Dừng lại, suy nghĩ và hành động

(NTO) 5giờ 22 phút ngày 1-5-2014, các cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu HD-981 và 3 tàu dịch vụ dầu khí của Trung quốc di chuyển từ tây bắc đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam xuống phía Nam. 16giờ ngày 2-5-2014, giàn khoan HD-981 được thả tại tọa độ 150 29’58” vĩ bắc – 1110 12’06” kinh đông phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách huyện đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý.

Từ ngày 2-5-2014 đến nay, Trung Quốc đã nhiều lần huy động các tàu, trong đó có tàu quân sự hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiểu tên lửa tấn công nhanh cùng nhiều loại tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính và các tàu khác liên tục xâm phạm và tấn công vào các lực lượng chấp pháp của Việt Nam.

 
Chiến sĩ huyện đảo Trường Sa canh giữ vững chắc chủ quyền biển đảo.

Dừng lại...

Những tọa độ mà Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế theo Luật Biển Việt Nam ngày 21-6-2012 và theo các Điều 58, 77 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì những hành vi xâm phạm tọa độ này đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và vi phạm pháp luật Việt Nam. Điều 15 Luật Biển Việt Nam quy định: “ Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở”, Điều 58 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 có quy định: “Trong vùng đặc quyền kinh tế, khi thực hiện các quyền và làm các nghĩa vụ của mình theo Công ước, các quốc gia phải tính đến các quyền và các nghĩa vụ của quốc gia ven biển và tôn trọng các Luật và quy định mà quốc gia ven biển đã ban hành theo đúng các quy định của Công ước và trong chừng mục mà các Luật và quy định đó không mâu thuẫn với phần này và với các quy tắc khác của pháp luật Quốc tế”, Điều 77 Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định: “Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình... không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia đó”.

Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành vi ngang nhiên dùng vũ lực xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam; vi phạm Điều 1-Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “Một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”.

Dư luận thế giới quan ngại và liên tiếp lên án những hành vi ngang ngược của phía Trung Quốc. Việt Nam, nhiều địa phương, nhiều tổ chức và cá nhân đã cực lực phản đối và lên án hành vi ngang nhiên vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và vi phạm pháp luật Việt Nam. Dừng lại, rút khỏi và chấm dứt những hành vi vi phạm trắng trợn ấy đang là tiếng nói của cộng đồng quốc tế, đăc biệt là của nhân dân Việt Nam đòi hỏi phía Trung Quốc phải thực hiện.

Trong những phản ứng trước hành vi ngang ngược của phía Trung Quốc, rất cần sự dừng lại của một số ít đối tượng quá khích đội lốt công nhân và công dân Việt Nam đã xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của một số tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư và công tác tại Việt Nam.

Suy nghĩ và hành động...

Tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng (Báo Ninh Thuận số 2567 ngày 14-5-2014 đăng tại trang 3 với tiêu đề “Việt Nam đề nghị ASEAN tăng cường đoàn kết, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Luật pháp Quốc tế”).

Phía Trung Quốc, những người, những lực lượng đã xâm phạm vùng biển Việt Nam cần phải suy nghĩ trước những lời cảnh báo của dư luận thế giới; trước những nghĩa cử nhân đạo, cao đẹp của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam để có thái độ ứng xử văn hóa đúng mức và chấm dứt các hành động phi lý, vi phạm luật pháp quốc tế mà họ đã gây ra trong vùng biển Việt Nam.

Những công dân Việt Nam, người dân Ninh Thuận cũng cần phải suy nghĩ, hết sức tỉnh táo; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trước một tình thế đột biến, nhạy cảm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị kích động, xúi giục làm ảnh hưởng tới uy tín của quốc gia và truyền thống tốt đẹp, nhân ái của người Việt Nam.

Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam là suy nghĩ và là hành động đúng mức, là trách nhiệm công dân. Chúng ta kiên quyết đấu tranh buộc phía Trung Quốc phải chấm dứt, từ bỏ mọi hành vi xâm phạm độc lập chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta kiên quyết hành động theo quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, chúng ta cũng kiên quyết đấu tranh với những phần tử cơ hội, lợi dụng tình hình nhằm kích động, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây tổn hại đến danh dự, uy tín của dân tộc Việt Nam ...