Điểm lưu ý khi ôn tập môn Hóa học

Môn hóa học theo hệ thống hóa, so sánh.

Về lý thuyết, học sinh cần phải biết xâu chuỗi tính chất hóa học của các chất, nhóm chất bằng cách hệ thống hóa, so sánh những điểm giống nhau và khác nhau. Điều này sẽ giúp học sinh nhanh chóng chọn được phương án đúng. Đây là phần có số lượng câu hỏi chiếm khoảng 70% đề thi. Không nên học từng chất riêng lẻ vì như thế sẽ khó nhớ hết được những phương trình phản ứng hóa học và sẽ xử lý chậm, mất nhiều thời gian để chọn phương án đúng.

Cụ thể, đối với hóa học hữu cơ, học sinh cần có sự liên kết giữa các nhóm chất sau đây để so sánh: Amin, anilin, aminoaxit, liên kết với a xít hữu cơ, phenol; Cacbohidrat: Glucozơ, fructozơ, mantozơ, sacarozơ, tinh bột, xenlulozơ liên kết với andehit và ancol; Este, lipit cần liên kết với ancol, andehit, a xít; Phần polyme các em nên xâu chuỗi lại dựa vào sự phân loại: theo nguồn gốc, theo cách tổng hợp, theo cấu trúc, tên riêng của các polime.

Đối với hóa vô cơ - phần kim loại, cần liên kết phần tính chất hóa học chung, so sánh chúng trong dãy điện hóa. Ngoài ra, trong mỗi nhóm kim loại cần nắm phần tính chất hóa học đặc trưng riêng như kim loại phản ứng với nước, với dung dịch kiềm... Riêng phần kim loại sắt, cần quan tâm sự chuyển hóa giữa Fe(II) và Fe(III).

Học sinh cũng có thể hệ thống hóa từng loại phản ứng. Cụ thể như chất hữu cơ nào tham gia phản ứng thủy phân, với Na, với dung dịch kiềm, với Cu(OH)2… Kim loại nào tác dụng với nước, với dung dịch kiềm, với dung dịch a xít... Những oxit, hidroxit và muối nào lưỡng tính...? Nếu không làm được việc này, sẽ gặp nhiều lúng túng khi làm bài.

Các bài toán trong đề thi tốt nghiệp chiếm khoảng 30% số lượng câu hỏi của đề thi và khá đơn giản. Chỉ cần biết tính lượng chất tham gia phản ứng, chất tạo thành trong một phương trình phản ứng hóa học hay giải các bài toán hỗn hợp hai chất, hai ẩn số và có hai dữ kiện (có thể kèm theo hiệu suất phản ứng để tạo câu hỏi khó).

Ngoài ra, trong đề thi tốt nghiệp THPT thường có một số ít câu hỏi khá bất ngờ, không khó nhưng do học sinh ít quan tâm nên dễ chọn phương án sai. Ví dụ, một số tính chất vật lý đặc biệt của chất hữu cơ (như este có mùi thơm dễ chịu, anilin là chất lỏng không màu để lâu trong không khí chuyển thành màu đen...), các tính chất vật lý của kim loại: có khối lượng riêng lớn nhất, cứng nhất, có nhiệt độ nóng chảy cao nhất trong dãy kim loại cho sẵn, hay các loại quặng, mỏ...

Muốn đạt được điểm cao, học sinh phải đọc thật kỹ các chi tiết ở sách giáo khoa lớp 12 ít nhất một lần trước ngày thi (nhớ lược bỏ những phần đã giảm tải).