Người cán bộ thú y tâm huyết với nghề

(NTO) Với trách nhiệm của cán bộ thú y xã Phước Hậu, ông Lê Do 58 tuổi đã nỗ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm của nông dân địa phương.

Ông Do quê gốc ở tỉnh Thanh Hóa, tốt nghiệp kỹ sư Chăn nuôi thuộc Trường Đại học Nông nghiệp 2. Năm 1987, ông công tác tại Phòng Nông nghiệp huyện Ninh Phước rồi về đảm nhận công tác Thú y xã Phước Hậu từ năm 1990 đến nay.  Trên 25 năm gắn bó với nghề, ông Do đã đưa ra nhiều phác đồ điều trị có hiệu quả cao phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, góp phần khống chế mầm bệnh, không để lây lan phát triển thành dịch trong đàn vật nuôi trên địa bàn xã.  Ông Do nhiệt tình chỉ dẫn giúp những người dân trong xã nắm vững biện pháp phòng chống dịch bệnh vật nuôi trong gia đình. Ộng luôn có mặt kịp thời tại các nông hộ, mỗi khi bà con nông dân cần giúp đỡ chăm sóc đàn gia súc, gia cầm.

Ông Lê Do chăm sóc vườn nho chuẩn bị thu hoạch của gia đình.

Là một kỹ sư chuyên ngành chăn nuôi tận tâm với nghề, ông Lê Do tự đầu tư mua sắm thiết bị cần thiết cho quá trình nghiên cứu các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở. Trong đó có đề tài:"Nghiên cứu về bệnh heo tai xanh và cách phòng chống dịch năm 2010". Ông  và  được nhận giấy khen của Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “Đề án chống dịch heo tai xanh”. Ông thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời thông tin kỹ thuật canh tác mới áp dụng vào quá trình sản xuất. Diện tích 3 sào lúa của ông áp dụng kỹ thuật “1 phải 5 giảm” đạt năng suất bình quận 7 tạ/sào. Ông chuyển dịch đất táo sang trồng nho với diện 700 mét vuông, vụ nho xanh đầu tiên của gia đình ông vừa thu hoạch. Với giá bán từ 30- 35 ngàn đồng/kg,  sau khi trừ đi chi phí, ông thu lãi trên 30 triệu đồng. Gia đình ông còn canh tác 1 sào táo và chăn nuôi 25 con dê Bách Thảo. Ông Do nuôi dạy ba người con đều tốt nghiệp đại học công tác tại các cơ quan trên địa bàn tỉnh. 

Ông Huỳnh Hồng Phúc,  Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu nhận xét: “Ông Lê Do là cán bộ thú y thâm niên giàu kinh nghiệm đã tham mưu tốt cho địa phương trong việc phòng, chống xử lý mầm bệnh, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Nhờ đó, Phước Hậu đã ngăn chặn kịp thời các đợt dịch cúm gia cầm, không bùng phát trong toàn xã. Ông tích cực vận động bà con ứng dụng hiệu quả các biện pháp khoa học- kỹ thuật trong chăn nuôi góp phần phát triển kinh tế địa phương”.