Chủ động thực hiện các biện pháp chống hạn

(NTO) Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh, mùa khô năm 2014 có thể kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8, đặc biệt lượng mưa phổ biến tại các khu vực trong tỉnh sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm.

Trong đó, vùng đồng bằng sẽ dưới 320mm (thấp hơn 2013 là 18mm), vùng núi dưới 510 mm (thấp hơn 2013 là 10mm), do đó diễn biến mực nước trên các sông, suối trong tỉnh tiếp tục giảm, tình trạng khô hạn cục bộ vẫn xảy ra.

Nhiều địa phương lao đao vì khô hạn

Dường như năm nào cũng vậy, cứ đến mùa khô là một số địa phương như Bác Ái, Thuận Bắc, Thuận Nam không thể tránh khỏi cảnh sông, suối và hệ thống các công trình thủy lợi khô cạn, nhưng năm nay nắng hạn lại khắc nghiệt hơn, không chỉ làm cho hàng ngàn hộ dân phải đình trệ sản xuất mà còn gây nhiều khó khăn cho cuộc sống về nước sinh hoạt.

Hồ Thành Sơn (xã Xuân Hải, Ninh Hải) có dung tích trên 3 triệu m3 nước,
đến nay đã khô cạn, trơ đáy. Ảnh: Văn Miên

Cụ thể tại huyện Bác Ái có 4 hồ chứa nước thì đến nay có 2 hồ đã cạn kiệt. Về sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, hiện trên địa bàn huyện đã có 100 gia súc bị chết, 40 ha cây trồng bị thiệt hại do nắng hạn. Riêng tại xã Phước Trung, hơn 1 tháng nay gần 2.500 nhân khẩu sống ở các thôn Đồng Dày, Tham Dú, Rã Trên, Rã Giữa đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Đồng chí Trần Quý Dương, Chủ tịch UBND xã Phước Trung, cho biết: Để giúp người dân có nước sinh hoạt, từ ngày 18-4 đến nay, huyện Bác Ái đã trích ngân sách 40 triệu đồng để mua nước sinh hoạt từ thôn An Hòa (xã Xuân Hải, Ninh Hải) chở mỗi ngày từ 5-6 chuyến (mỗi chuyến trên 3 m3 nước) về cung cấp cho bà con 2 thôn Tham Dú và Đồng Dày bị khô hạn nặng. Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thuỷ lợi tỉnh cũng đã tiến hành đào 2 ao gần khu vực hồ Phước Nhơn, với diện tích khoảng 300 m2/ao để bổ sung nguồn nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân nên đến thời điểm này người dân Phước Trung tạm thời có đủ nước để sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu trong tuần tới không có mưa, địa phương tiếp tục kiến nghị huyện hỗ trợ thêm kinh phí để mua nước cung cấp cho các thôn còn lại; đồng thời kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ kịp thời về đời sống cho 100 hộ có diện tích bị thiệt hại trong vụ Đông – Xuân vừa qua.

Còn tại huyện Thuận Bắc đến thời điểm này hầu hết các sông suối, ao chứa trên địa bàn đều đã khô kiệt, trên 600 hộ dân tại một số điểm dân cư của xã Phước Kháng, thôn Xóm Bằng (Bắc Sơn), Suối Đá (Lợi Hải) phải đào hố ở các lòng suối để gạn nước vào từng can nhựa mang về dùng. Ông Nguyễn Đức Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện cho biết: Địa phương có 11 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nhưng đến nay có 3 công trình không còn đủ nước để cấp cho người dân, số còn lại cũng chỉ còn chảy cầm chừng đủ đáp ứng cho các hộ dân ở đầu nguồn. Vì thế, phương án trước mắt huyện sẽ trích nguồn kinh phí dự phòng khoảng 75 triệu đồng hỗ trợ nhân dân khoan và đào khoảng 20 cái giếng. Cụ thể, đối với xã Phước Kháng, ngoài việc sửa chữa lại 1 giếng khoan công cộng bị hư sẽ tiến hành đào thêm 10 giếng mới rải đều các thôn để bơm nước sinh hoạt cho dân. Riêng thôn Xóm Bằng, huyện sẽ khảo sát khoan 10 giếng mới tại các điểm dân cư bị thiếu nước cục bộ. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các địa phương tiến hành nạo vét các lòng suối để lấy nước bổ sung vào các đập dâng nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người và nước uống cho khoảng 4.600 con gia súc trong vùng. Nếu trong vòng 2 tuần nữa không có mưa, huyện sẽ điều chỉnh lại diện tích sản xuất, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ khoảng 440 tấn gạo cho gần 1.000 nhân khẩu ở các xã Phước Kháng, Phước Chiến, thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn (mỗi khẩu 15kg) trong vòng 3 tháng để bà con ổn định cuộc sống trong thời gian hạn hán xảy ra không sản xuất được vụ Hè – Thu.

Chỉ đạo sát sao hơn trong sản xuất

Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh ta dù đã bắt đầu xuất hiện một số cơn mưa, tuy nhiên lượng mưa không đáng kể chỉ làm dịu bớt khí hậu oi bức, vì thế tính đến ngày 7-5-2014, lượng nước ở tất cả 20 hồ chứa đã giảm còn 58,3 triệu m3. Trong đó, một số hồ lớn như: Sông Sắt cũng chỉ còn 30,35 triệu m3; Lanh Ra còn 9,45 triệu m3; Sông Trâu còn 4,13 triệu m3; Tân Giang còn 3,85 triệu m3; Sông Biêu còn 3,62 triệu m3 và Trà Co còn 3,09 triệu m3, các hồ còn lại đang xấp xỉ ở mực nước chết.

Ông Phạm Văn Thển, thôn Xóm Bằng (xã Bắc Sơn, Thuận Bắc) theo nước chăm sóc cây hành.

Trước những diễn biến thất thường của thời tiết, ngay từ cuối tháng 3, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1430/KH-UBND về công tác phòng, chống hạn trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, để tránh những thiệt hại trong sản xuất UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT và các địa phương rà soát, căn cứ vào nguồn nước có thể cung cấp ổn định tưới cho cây trồng để khoanh vùng lên kế hoạch sản xuất. Theo đó, vụ Hè- Thu năm nay toàn tỉnh chỉ gieo trồng khoảng trên 17.000 ha, giảm khoảng 8.000 ha so với vụ Đông- Xuân trước, trong đó riêng cây lúa tỉnh xác định chỉ gieo sạ khoảng 11.000 ha. Việc bố trí xuống giống, gieo trồng vụ Hè - Thu sẽ chia làm 2 đợt; trong đó, đợt 1 từ 16/5 - 25/5, đợt 2 từ 26/5 - 10/6.

Đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để đối phó với hạn hán, ngoài việc triển khai các biện pháp tưới luân phiên giữa các đập, kênh, cống trong hệ thống, xứ đồng, tỉnh còn chỉ đạo các địa phương vận động nông dân khai thác nguồn nước ngầm để duy trì sản xuất, chăn nuôi và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích cây màu, đậu các loại. Tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện nắng hán như: “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, tưới phun tiết kiệm trên nho, táo và các mô hình luân canh, xen canh sử dụng ít nước như bắp lai, các giống cỏ chịu hạn...