Hướng về biển đảo thân yêu của Tổ quốc, nửa cuối tháng 4 vừa qua, đoàn đại biểu 54 dân tộc Việt Nam do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử dẫn đầu cùng đoàn đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Quỹ học bổng Vừ A Dính, Đoàn nghệ thuật xung kích Trung tâm Văn hóa tỉnh Sơn La đã ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các xã đảo thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1.
Chiến sĩ đảo đá Len Đao. Ảnh VGP/Trần Mạnh
Sau những ngày lênh đênh vượt sóng, đoàn đã đến thăm các đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Nam Yết, Len Đao, Sinh Tồn, Trường Sa lớn và Nhà giàn DK1 Phúc Nguyên.
... Thật khó để diễn tả hết những cung bậc cảm xúc của mỗi đại biểu khi đặt chân lên đảo, thăm lính nhà giàn, nhưng dường như ai cũng có một cảm nhận chung: Ở giữa nơi trùng khơi xa xôi ấy, mùa khô 4 tháng không mưa, nắng đổ lửa đốt cháy thịt da, giữa mênh mông biển cả mà không có lấy một ngọn gió để chạy tua bin phong điện... Ở nơi ấy, 8 tháng mùa mưa sóng cuộn như dông bão, “muối trùm lên mặn cả chỗ nằm”. Nhưng ở nơi ấy vẫn có những người lính “nước da màu nắng”, gửi lại đất liền thân thương cuộc sống êm đềm, đêm ngày kiên trung giữ trọn vùng biển, đảo Tổ quốc.
Các chị đã khóc vì thương, vì cả niềm tự hào trước những người lính đảo. Ảnh VGP/Trần Mạnh
Nhớ buổi sáng 17/4, khi đoàn vừa đặt chân lên đảo Nam Yết thì một chị trong đoàn bỗng bật khóc vì nhận được tin người thân qua đời. Ai cũng xúm lại chia sẻ, động viên. Trong cuộc trò chuyện sau đó, Thượng úy Phòng không Không quân Nguyễn Đức Thuấn, quê Bắc Giang (ra đảo từ tháng 8/2013) trải lòng: Em cũng vậy thôi, vừa lên đảo ít ngày thì ở nhà báo tin anh trai mất. Không về thắp được cho anh một nén hương, không được nhìn mặt anh lần cuối, em chỉ còn biết hướng về đất liền quê nhà tiễn biệt anh...
Trò chuyện với lính đảo, anh em kể: Có người nửa đêm giật thót mình khi nhận được điện thoại từ nhà, lúc ấy nghe vợ khóc thút thít báo vừa đưa con vào bệnh viện cấp cứu… Mình thắt cả gan ruột nhưng vẫn phải động viên vợ bình tĩnh chữa chạy cho con…
Trung úy Nguyễn Thanh Tuấn (đảo Len Đao) tâm sự: Ai cũng có gia đình, người thân, người yêu… ai cũng có những lúc nhớ nhà, nhớ đất liền quay quắt. Nhưng không phải ai cũng vinh dự được cắm chốt ở Trường Sa. Cho nên đã ra đảo, anh em đều nén lại những nỗi niềm riêng, đoàn kết động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ…
Phút ngẫu hứng trên đảo đá Len Đao. Ảnh VGP/Trần Mạnh
Vinh dự được đại diện cho đồng bào 54 dân tộc mang tiếng hát tới đảo xa phục vụ bộ đội, bà con trên đảo, sau khi vượt qua những cơn say sóng, say đất, các bạn trẻ người Thái, người Mường, người Kinh (Quỳnh, Tuấn, Ba, Viên, Quyết, Sơn, Nga, Mai, Hải, Liễu, Ngọc) thuộc Đội văn nghệ xung kích, Trung tâm Văn hóa tỉnh Sơn La mang tới Trường Sa những giai điệu đẹp nhất của núi rừng Tây Bắc qua tiếng khèn, tiếng sáo, qua điệu múa “Xuống chợ”, “Chiếc khăn piêu”, “Những cánh hoa ban”…
Xuân Tuấn, “con dao phát” của Đội- một anh chàng “đa năng” vừa là ca sĩ, vừa kiêm “cán bộ đường lối”, kiêm cả phụ trách âm thanh, ánh sáng, thủ quỹ… cho đoàn, một mình lái xe vượt cả ngàn cây số từ Sơn La đến bến cảng. Lên tàu ra Trường Sa, Tuấn vừa sốt li bì, vừa bị say sóng, nôn như “muốn nhè ruột ra”, mặt mày xanh như tàu lá thế mà vẫn vui, vẫn hăng say công việc. Ra đảo, nhiều người còn bị say đất, đến nỗi thấy trời mây cây cối trước mắt cứ nghiêng nghiêng ngả ngả… Hai bạn nữ trong đoàn còn phải tiếp nước. Vậy mà cứ đến tiết mục, ai nấy vơ vội micro chạy lên sân khấu để hát, để múa như chưa bao giờ được làm như thế... Rồi họ hát cả sáng, cả chiều, cả tối cho lính đảo thưởng thức.
Ấn tượng nhất là kết thúc mỗi chương trình, các cô gái Thái dịu dàng trong trang phục truyền thống, nụ cười duyên dáng, bàn tay mềm mại mời các chiến sĩ trên đảo và các đại biểu cùng đắm say trong điệu xòe vòng - nối liền đất mẹ với hải đảo-nối liền 54 dân tộc với Trường Sa thân thương.
Bộ trưởng Giàng Seo Phử trao tặng quân dân trên đảo lá cờ Tổ quốc rộng 54m2- tượng trưng cho 54 dân tộc
anh em. Lá cờ này đã từng tung bay trên cột cờ Lũng Cú, Hà Giang. Ảnh VGP/Trần Mạnh
Chuyến đi ngắn ngủi đã khép lại, nhưng những câu chuyện về lính biển, về Trường Sa thân thương vẫn còn đậm mãi trong lòng mỗi đại biểu đại diện 54 dân tộc anh em, những người cùng sinh ra từ một bọc trứng của mẹ hiền Âu Cơ.
Chia sẻ với các thành viên trong đoàn, Bộ trưởng Giàng Seo Phử xúc động nói: "Đây lần đầu tiên Ủy ban Dân tộc tổ chức một chuyến đi lịch sử với 90 đại biểu đại diện cho 54 dân tộc anh em, mang tình cảm sâu nặng từ đất liền, từ những vùng núi cao đến với Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Với riêng tôi, chuyến đi này là ước mơ sau bao năm đã thành hiện thực".
Anh Lường Văn Thiện, đại biểu người dân tộc Hà Nhì, Lai Châu bâng khuâng: Biển rộng quá, không như ở bản mình mở cửa nhìn ra chỉ thấy trập trùng núi, trập trùng mây. Nhưng biên giới trên đất còn có cái chỗ để cắm cột mốc. Còn biển lại rộng và sâu thế này mà bộ đội biển vẫn giữ được chủ quyền...
A Ngóc, đại biểu dân tộc Rơ Mâm, vùng biên giới tỉnh Kon Tum nói như phân bua: Em chưa được đi biển bao giờ. Nên khi nhận thông báo được ra Trường Sa thì thấp thỏm mấy đêm, không ngủ được. Giờ về đất liền, em nhớ Trường Sa nhiều lắm...
Chị Chung Thị Biển, người dân tộc Nùng, đại diện tỉnh Bắc Kạn bồi hồi: Thương anh em lính đảo quá. Người nào mặt cũng đen như khẩu súng. Nhưng ai cũng rắn rỏi, thân thiện. Mỗi lần trò chuyện với bộ đội, tưởng nhớ đến những người đã anh dũng hy sinh bảo vệ vùng biển Tổ quốc, mình không cầm được nước mắt. Mình khóc vì tự hào đất nước Việt Nam có những người con kiên trung như thế.
Tạm biệt Trường Sa, tạm biệt những người con kiên trung nơi đầu sóng, Bộ trưởng Giàng Seo Phử đã trao tặng quân dân trên đảo lá cờ Tổ quốc rộng 54m2- tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, lá cờ ấy đã từng tung bay trên cột cờ Lũng Cú, Hà Giang.
Ông nhắn nhủ: Cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam luôn chung tay, sát cánh với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, cùng nhau xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc thân yêu.
Nguồn www.chinhphu.vn