“Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”

Nằm trong chương trình hoạt động của Festival thủy sản Việt Nam 2014 diễn ra tại tỉnh Phú Yên, từ ngày 28/3 đến ngày 3/4/2014, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Với nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 150 bản đồ được trưng bày là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước tới nay của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế. Trong đó, có 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa do Việt Nam, các nước phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay; 4 tập bản đồ (atlas) và 30 bản đồ khác do nhà nước Trung Quốc xuất bản và phát hành chính thức qua các thời kỳ lịch sử, thể hiện Trung Quốc không có liên quan gì đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Sau đây là một số hình ảnh về cuộc triển lãm này:

Đại Nam nhất thống chí toàn đồ do vua Minh Mạng cho vẽ vào năm 1838,
có thể hiện hai địa danh Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa bằng chữ Hán
 
 
Đại Nam thực lục tiền biên do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn theo chỉ dụ của vua
Minh Mạng năm thứ 2 (1821), soạn và khắc in năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), trong đó (trang 10,
quyển 8) có ghi lại sự kiện "Mùa hạ, tháng 4 (năm 1711) Tổng binh trấn Hà Tiên là Mạc Cửu đến
cửa Khuyết tạ ơn. Chúa (Nguyễn Phúc Chu) hậu thưởng, sai đo bãi cát Trường Sa (Trường Sa
hải chử) ngắn, dài, rộng, hẹp bao nhiêu". Đây là tư liệu chính thức đầu tiên xác nhận từ đầu
thế kỷ XVIII, Chúa Nguyễn đã xác lập và thực thi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.
 
 
Bản đồ do Đỗ Bá, tự Công Đạo, vẽ vào thế kỷ thứ XVII in trong Toàn tập An Nam lộ.
Trên bản đồ này có ghi địa danh "Bãi cát vàng" (trong khung đỏ) bằng chữ Nôm
trong vùng biển ngoài khơi xứ Quảng Nam
 
 
Bản quốc địa đồ vẽ vị trí của các tỉnh và các ngọn núi lớn từ cửa Nam Quan đến Biên Hòa,
Vĩnh Long in trong sách Khải đồng thuyết ước. Trên tờ bản đồ này, ở ngoài khơi khu vực
miền Trung có ghi chú 3 chữ Hán: Hoàng Sa chử (Bãi Hoàng Sa). Sách Khải đồng thuyết ước
được biên soạn và khắc in lần đầu vào năm Tự Đức thứ 6 (1853) là sách giáo khoa tiểu học.
Việc địa danh Hoàng Sa được đưa vào sách giáo khoa cho thấy vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa
và việc giáo dục ý thức chủ quyền đó cho trẻ đã được triều Nguyễn coi trọng
 

 

Thư tịch cổ Việt Nam qua quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam
trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được tập hợp giới thiệu tại triển lãm
 
 
Còn đây là 19 Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu cổ có giá trị rất lớn
khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
 
 
Đông đảo các đoàn viên thanh niên hòa chung trong dòng người đến tìm hiểu tại triển lãm
 
 
Nhiều cán bộ, chiến sỹ Hải quân Vùng 4 cũng đã đến tham quan triển lãm
 
 
... và các chiến sỹ thuộc Tỉnh đội Phú Yên cũng rất quan tâm đến các thông tin tại triển lãm
 
 
Những cán bộ, sỹ quan Hải quân năm xưa
giờ đã nghỉ hưu cũng không thể bỏ qua cuộc triển lãm này
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam