Vùng biển Gạc Ma ngày ấy ngập đỏ máu của những người lính trẻ kiên trung. Tên tuổi của các anh sẽ ngàn đời lưu danh, cùng với những địa danh bất tử nơi trùng dương bao la của đất nước.
Đảo Len Đao. Ảnh: Hồng Nhạn
Cố Thiếu úy Trần Văn Phương, một trong 64 liệt sĩ Gạc Ma, ngày hy sinh vì Tổ quốc, không hề biết mình sắp có một người con gái. Khi ấy, vợ anh chỉ mới mang thai hơn một tháng. Hai mươi sáu năm qua, người con gái Trần Thị Thủy của anh chỉ biết về cha mình qua lời kể và ký ức đầy nước mắt của mẹ với kỷ vật ít oi là vài tấm hình còn lại. Tiếp bước chí khí kiên cường của người cha thân yêu, chị Thúy đã tình nguyện gia nhập quân đội, hiện đang công tác tại cơ quan quân sự Hải quân Vùng 4, TP Cam Ranh – Khánh Hòa.
Ông Lê Văn Xuân (cha liệt sĩ Lê Văn Xanh, TP Đà Nẵng) lúc nghe tin con mình hy sinh, phải cố hết sức giữ bình tĩnh để không gục ngã. Nhớ về ngày 14-3 năm ấy, ông không kểm được những giọt nước mắt, nhưng vẫn tự hào: Xanh đã hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, “ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Vâng! Sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ Gạc Ma, không chỉ là niềm tự hào của người thân các anh mà còn của cả dân tộc Việt Nam với truyền thống 4.000 năm bất khuất trước quân thù để dựng nước và giữ nước.
Còn nhớ, chỉ chưa đến 2 tháng sau trận hải chiến bi hùng Gạc Ma, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, lúc bấy giờ là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có chuyến thị sát tại quần đảo Trường Sa nhân Lễ kỷ niệm 33 năm Ngày truyền thống Quân chủng Hải quân Việt Nam (7-5-1955 – 7-5-1988). Tại đây, trước vong linh của những người lính trẻ, Đại tướng đã không nén được xúc động, khẳng định: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên là quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa"
Lời thề ấy của cựu Đại tướng Lê Đức Anh đã được minh chứng, tiếp nối bằng những hành động của lớp lớp sĩ quan, chiến sĩ hải quân tình nguyện vượt qua những gian khó của cuộc sống thường nhật và bao thử thách khắc nghiệt khác của thiên nhiên, quyết tâm lên đường ra đảo, tiếp tục xả thân để bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Tiếp tục xả thân để “Hào khí Gạc Ma” mãi mãi tồn tại trong lòng của triệu triệu đồng bào, mãi mãi là tấm huân chương chói ngời trong những trang sử vàng dân Việt.
Hôm nay, 14-3-2014, hai mươi sáu năm nhanh tựa “bóng câu qua cửa sổ”. Hai mươi sáu mùa xuân cho những người lính còn lại trong cuộc hải chiến Gạc Ma ngày ấy giờ đã là những cựu binh quá tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” tổ chức giỗ viếng những liệt sĩ - đồng đội cũ Rời quân ngũ, những cựu binh Trường Sa ấy mỗi người mỗi ngã, mỗi đường sinh kế khác nhau. Nhưng tình yêu biển đảo luôn cháy bỏng trong huyết quản, tâm can của các ông, gắn kết họ thành một khối để tiếp tục truyền lửa các thế hệ trẻ hôm nay. Vậy nên tinh thần và hào khi Gạc Ma luôn bất tử!
Lê Trường