Bộ Y tế vừa có văn bản chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch, bệnh tay chân miệng.
Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 62 địa phương, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013.
Ảnh minh họa.
Do tính chất lây truyền và hiện chưa cho vaccine phòng bệnh, Bộ Y tế dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây.
Để tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch, bệnh tay chân miệng, Bộ đề nghị Giám đốc Sở Y tế các địa phương tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt.
Thực hiện 3 sạch (ăn sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch). Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín; tuyên truyền các biện pháp phòng chống tay chân miệng tại gia đình và cộng đồng.
Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu các Sở phải phối hợp chặt chẽ với ngành GDĐT để tổ chức tuyên truyền tại các trường học, đặc biệt là tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học. Thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát dịch trong cộng đồng. Thực hiện điều tra, đánh giá để xác định các đối tượng nguy cơ để đưa ra các biện pháp phòng chống phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các Sở phải chủ động chuẩn bị đủ kinh phí để đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế…
Các bệnh viện cần phân tuyến điều trị, tổ chức lọc bệnh nhân điều trị ngoại trú và điều trị nội trú, thực hiện lưu đồ xử trí bệnh tay chân miệng và củng cố nguồn lực cho Đơn nguyên điều trị hồi sức bệnh ở tuyến tỉnh.
Các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại các đơn vị điều trị bệnh để tiếp nhận các ca bệnh nặng.
Đồng thời, các bệnh viện cũng cần phải tổ chức các kíp thường trực cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh theo địa bàn đã được phân công khi có yêu cầu.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm 2014 đến nay,cả nước đã ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 62 địa phương, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013.
Tuy nhiên, vẫn có một số tỉnh, thành phố có số mắc cao và tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái như: TP. Hồ Chí Minh (2.633 trường hợp, tăng 28,9%), Bà Rịa-Vũng Tàu (1.101 trường hợp, tăng 34,4%), Cà Mau (938 trường hợp, tăng 15,5%), Kon Tum (112 trường hợp, tăng 69,7%), Đắk Lắk (316 trường hợp, tăng 3,9%).
Để chủ động ngăn ngừa bệnh tay chân miệng, người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
2. Thực hiện ăn chín, uống chín, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.
3. Thường xuyên lau rửa đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
5. Theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Nguồn www.chinhphu.vn