|
Đồng chí Trần Anh Việt Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội |
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa ngày Quốc tế Lao động và tình hình CNLĐ trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?
Đồng chí Trần Anh Việt: Ngày Quốc tế lao động 1-5 là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Ngày Quốc tế Lao động 1-5 là một sự kiện có ý nghĩa không chỉ ở Việt Nam mà ở trên toàn thế giới bởi nó khẳng định, bảo vệ và tôn vinh các lợi ích chính đáng của người lao động, cổ vũ họ đoàn kết, sát cánh bên nhau đấu tranh cho sự công bằng, chính nghĩa.
Toàn tỉnh hiện có trên 54.000 công chức, viên chức, CNLĐ làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, lực lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp 35.125 người, chiếm trên 65,05 % so với lực lượng lao động toàn tỉnh Về lao động qua đào tạo chỉ chiếm 47,4 % so với lực lượng lao động trong nền kinh tế quốc dân, (trong đó lao động qua đào tạo nghề là 29,9%), còn lại là lao động phổ thông chưa được qua đào tạo hoặc đào tạo ngắn hạn, tay nghề, tác phong, kỷ năng nghề nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Nhìn chung, đội ngũ CNLĐ hiện nay có thể đáp ứng cơ bản yêu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, tuy nhiên trong xu thế phát triển sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật, tay nghề ngày càng cao, tỉnh ta cần phải có giải pháp, định hướng đúng đắn nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ công nhân lao động đáp ứng yêu cầu phát triển.
Về phía doanh nghiệp, thời gian qua, do ảnh hưởng biến động kinh tế nên gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, nỗ lực của chính mình cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đến nay nhiều doanh nghiệp đang dần hồi phục, ổn định lại sản xuất. Mối quan hệ lao động giữa doanh nghiệp và người lao động được đảm bảo. Tuy nhiên, qua các đợt thanh tra, kiểm tra cho thấy, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ quyền lợi chính đáng cho người lao động như: trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, hợp đồng lao động đối với công việc dài hạn được ký với thời gian ngắn hạn và ký nhiều lần để không thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN… Các vi phạm trên thường xảy ra với các doanh nghiệp dân doanh có ít lao động và chưa có tổ chức công đoàn.
Công ty TNHH May Tiến Thuận đầu tư mở rộng sản xuất, ổn định việc làm cho CN-LĐ. Ảnh:Văn Miên
Phóng viên: Là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, ngành có những giải pháp gì để giải quyết những vấn đề này?
Đồng chí Trần Anh Việt: Thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp là việc làm quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ CNLĐ. Để làm tốt điều này, ngành đang tập trung mọi giải pháp thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, đồng thời tham mưu với UBND tỉnh phát triển hệ thống dạy nghề trên địa bàn tỉnh đảm bảo về số lượng, nâng cao về chất lượng; tổ chức việc kết nối giữa các trường đào tạo và các doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề theo địa chỉ, phù hợp với yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Về dạy nghề dài hạn, tỉnh ta có Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận đảm bảo năng lực đào tạo 13 ngành nghề, thế mạnh là các nghề kỹ thuật công nghiệp như Điện – Điện tử, Xây dựng, Công nghệ ô tô, Cơ khí..., quy mô tuyển sinh 1.025 học sinh, sinh viên/năm.
Đối với dạy nghề ngắn hạn, ngành chú trọng tổ chức các lớp dạy nghề gắn với tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản, may mặc, thêu tranh xuất khẩu...
Đào tạo nghề Điện - Điện tử ở Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận. Ảnh: V.M
Công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp được ngành tập trung đẩy mạnh. Vừa qua, ngành đã tham mưu UBND tỉnh tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Lao động năm 2012 (Sửa đổi) cho người sử dụng lao động và người lao động trong các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã giai đoạn II (2013 – 2016). Trong quý II này, sẽ tập trung tập huấn cho người sử dụng lao động. Hướng dẫn các doanh nghiệp định kỳ 3 tháng một lần tổ chức tốt việc đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động nhằm chia sẽ thông tin, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau để xây dựng quan hệ lao động hài hòa tiến bộ, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở. Tiếp tục duy trì việc đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ tỉnh và BHXH tỉnh hằng năm, nhằm chia sẽ thông tin, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện Bộ luật Lao động, Luật BHXH và thành lập, hoạt động của tổ chức công đoàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Bộ luật Lao động để chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm, kiên quyết xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, đặc biệt đối với các doanh nghiệp cố tình không đóng, đóng không đầy đủ số người, đóng không đúng hạn về BHXH, BHYT, BHTN làm thiệt thòi quyền lợi của người lao động.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Uyên Thu (thực hiện)