Tuyến xe buýt Phan Rang- Ninh Sơn
Chờ trên 30 phút từ sáng sớm, đúng 7 giờ, chúng tôi bắt được chiếc xe buýt đi tuyến Phan Rang- Ninh Sơn và hành trình tìm hiểu bắt đầu từ đây.
Vì là lần đầu tiên đi xe buýt trong tỉnh nên khi vừa lên xe, chúng tôi cố tìm bản niêm yết sơ đồ tuyến mà không thấy. Ổn định được chỗ ngồi xong, trong khi chúng tôi vẫn chưa nhận ra ai là nhân viên bán vé trong số nhiều hành khách đang ngồi trên xe thì một chị gái tầm ngoài 30 tuổi, không đeo thẻ tên và không mặc đồng phục, ngồi ghế trên quay lại hỏi chúng tôi gọn lỏn: “Đi đâu?”. Đoán biết chị chính là nhân viên bán vé, chúng tôi nói “Cho em dừng ở Giáo xứ Đồng Mé”, chị đưa cho chúng tôi tấm vé xe buýt. Trên vé bỏ trống phần “Tuyến”, có in dòng chữ “giá 7 nghìn đồng/ lượt (Cự ly từ 11 đến 20 km)”, tuy nhiên lại có dấu in đỏ đề giá “12 000” đè lên trên. Dẫu biết đoạn đường mình đi chưa tới 20 km, nhưng chúng tôi vẫn “vui vẻ” đưa 12 nghìn đồng như theo yêu cầu của chị nhân viên bán vé. Cuộc giao tiếp ngắn ngủi giữa chúng tôi và chị nhanh chóng kết thúc, chị thu tiền và … lim dim, ngủ tiếp.
Bao tải chứa thực phẩm sống đặt ở gần lối ra vào xe buýt.
Hệ thống điều hòa trên xe không hoạt động, hành khách chủ động mở cửa sổ xe buýt để đón gió mát và để “át đi” cái mùi khó chịu từ bao tải chứa thực phẩm sống đang nằm “chễm chệ” gần lối ra vào kia. Trong bao ắt hẳn là những con gà đã được làm sẵn, một vài cái chân gà còn chọc xuyên qua bao tải và lòi cả ra ngoài. Mùi hôi tanh của thực phẩm sống, cộng thêm mùi thuốc lá đang được phả ra từ một nam hành khách ngồi ngang dãy ghế với chị nhân viên bán vé tạo thành một “tổng hợp mùi” khó chịu. Vài em học sinh, mấy phụ nữ và người già, ai nấy đều lấy tay hoặc khăn để che mũi. Nhân viên xe buýt cũng không một lời nhắc nhở người khách đang hút thuốc này.
Xe đi gần hết đường 21 Tháng 8 thì bỗng nhiên dừng lại, một bác đứng dưới xe liên hệ gửi hàng với chị nhân viên bán vé. Chị này quay lại nói với anh tài xế và hành khách trên xe: “Chờ họ một lát để họ mang hàng ra”. Có hành khách lên giọng “Để người ta gửi xe sau đi, ai lại bắt cả xe phải chờ đợi”, chị nhân viên đáp trả: “Đợi họ một xíu đi, xe sau không cho chở hàng”. Ở dưới đường, 2 người đàn ông khệ nệ khuân 2 bao tải không rõ chứa hàng gì vào bên trong xe. Xong xuôi, xe tiếp tục chuyển bánh. Chúng tôi quyết định xuống xe sớm hơn, trước cả điểm dự định ban đầu.
Tuyến xe buýt Phan Rang – Vĩnh Hy
Để đón được tuyến xe buýt số 2 (Phan Rang – Vĩnh Hy), chúng tôi cũng phải đợi hơn 1 giờ đồng hồ. Phần vì ngại đường xa, một số đoạn đường lại vẫn đang thi công giang dở nên nhiều người chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển trên tuyến đường này. Trên xe có khá nhiều hành khách là các nhóm bạn đi du lịch tại Vĩnh Hy. Nhân viên bán vé xe cũng thông báo giờ xe chạy để các nhóm bạn này chủ động đón xe về lại Phan Rang.
Mặc dù nội thất xe tuyến này cũng không khá hơn là mấy so với tuyến số 1 (Phan Rang – Ninh Sơn), tuy nhiên, vì khách ít và hàng hóa đi kèm cũng không quá nhiều nên hành khách không ai tỏ thái độ khó chịu. Kéo giỏ hàng lại sát dãy ghế để tránh lối đi cho khách, một chị bịt khẩu trang kín mít giải thích: “Sáng nào chị cũng đi xe buýt xuống chợ Nại để bán khăn lông. Hàng bán có bấy nhiêu đây thôi, chở xe máy vừa mệt, tốn xăng lại không an toàn nên đi xe buýt cho khỏe. Hàng ít nên không bị thu thêm vé hành lý.” Khi ngang qua Văn phòng đại diện Vườn Quốc gia Núi Chúa, xe dừng lại đón một chị xách cặp, dáng vẻ công chức. Hỏi qua thì biết, chị làm việc ở Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường (Vườn Quốc gia Núi Chúa). “Chọn phương tiện xe buýt để đi làm, thỉnh thoảng đón xe cũng bị trễ nhưng thấy tiện, an toàn và khỏe hơn rất nhiều”, chị chia sẻ.
Trên chuyến xe buýt trở về Phan Rang, chúng tôi hỏi thăm việc gửi hàng mà không kèm hành khách trên xe, một chị nhân viên cho biết, xe vẫn nhận hàng, nếu là hàng khô thì xếp trên sàn xe, nếu là hàng tươi sống thì đặt dưới cốp xe. Cước phí tùy cự ly và lượng hàng.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tất cả các xe buýt đang lưu hành đều được đăng kiểm định kỳ, đúng quy định, đảm bảo an toàn lưu thông. Còn hiện tượng trên 1 tấm vé in 2 mức giá khác nhau là vì Công ty TNHH Vận tải Lộc Phát tăng giá vé (từ đầu năm 2013) nhưng để tiết kiệm, đơn vị đã sử dụng lại tập vé cũ và in giá mới (màu mực đỏ) lên trên. Việc nhận gửi hàng kèm theo hành khách nằm trong quy định hoạt động của xe buýt, trường hợp hành lý nhiều hơn 10 kg, đơn vị sẽ thu thêm vé hành lý. Tuy nhiên, việc nhận gửi hàng hóa không đi kèm với khách là không đúng với chức năng của xe.
Xe buýt là phương tiện công cộng được khuyến khích sử dụng để giảm lưu lượng xe cộ lưu thông trên đường, góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, cần quan tâm nâng cao chất lượng và cả chất lượng văn hóa phục vụ, văn hóa khi đi xe buýt.
Thanh Phong - Nguyên Hạ