Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hoà Bình phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, sáng ngày 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
TANDTC có nhiệm vụ xây dựng, phát triển án lệ
Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Trương Hòa Bình cho hay, dự thảo Luật gồm 11 chương, 80 điều. Tại phiên họp này, nhiệm vụ phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao là vấn đề được nhiều thành viên UBTVQH cho ý kiến.
Trong đó, về nhiệm vụ phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết còn có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cần quy định cụ thể trong Luật này nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) là xây dựng và phát triển án lệ để thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng đã được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW, đồng thời cụ thể hóa quy định tại Điều 104 của Hiến pháp về việc TANDTC “bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”.
Chánh án Trương Hòa Bình giải thích, theo quan điểm này, “án lệ” được xác định là quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về một vụ việc cụ thể có nội dung lập luận, làm rõ những quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau và chỉ ra nguyên tắc áp dụng, được Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn làm chuẩn mực để tham khảo trong công tác xét xử nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Án lệ không thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, TANDTC có thể linh hoạt thay đổi án lệ khi có những thay đổi của pháp luật. Do đó, việc quy định nhiệm vụ xây dựng và phát triển án lệ theo hướng nêu trên sẽ đáp ứng yêu cầu phải kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật. Hơn nữa, việc công bố án lệ sẽ giúp người dân nắm rõ đường lối xét xử, dự báo được kết quả những vụ việc có liên quan đến quyền và lợi ích của họ. Về phía Tòa án, tham khảo án lệ, phân tích thiếu sót trong những vụ án xét xử trước đó cũng sẽ giúp Thẩm phán rút kinh nghiệm, hạn chế việc kết án oan sai. Với việc phát triển án lệ và ràng buộc trách nhiệm của Thẩm phán và Hội đồng xét xử phải tham khảo án lệ khi xét xử, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án, chắc chắn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc xét xử oan, sai, hạn chế việc “lách luật” do tiêu cực của những người tiến hành tố tụng, luật sư và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng việc xây dựng và phát triển án lệ là vấn đề mới, còn nhiều ý kiến khác nhau cần được cân nhắc kỹ. Trước mắt, chỉ nên quy định TANDTC có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật là phù hợp với Hiến pháp.
Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, TANDTC đồng tình với loại ý kiến thứ nhất và đã thể hiện quan điểm này trong dự thảo luật.
Thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban Tư pháp tán thành với quan điểm TANDTC phát triển án lệ, phù hợp với chủ trương của Đảng được nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, ở Việt Nam, “án lệ” cần phải xác định theo hướng: khác với nhiều nước trên thế giới có án lệ, trong hệ thống pháp luật nước ta, quyết định giám đốc thẩm của TANDTC được coi là án lệ, không phải là văn bản quy phạm pháp luật; các quyết định giám đốc thẩm của TANDTC phải đảm bảo tính mẫu mực theo đúng quy định của pháp luật để các Tòa án khác nghiên cứu tham khảo và làm theo.
“Từ nhiều năm nay TANDTC đã và đang thực hiện nhiệm vụ tổng kết thực tiễn xét xử của Tòa án các cấp, hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật dưới hình thức ban hành Nghị quyết của TANDTC và được coi là Văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta. Đây là hình thức rất có hiệu quả, được thực tiễn kiểm nghiệm, cần tiếp tục phát huy” – ông Hiện nhấn mạnh.
Đồng tình với việc phát triển án lệ, song Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lại khái niệm về “án lệ” trong dự thảo luật vì khác với khái niệm được Bộ Tư pháp đưa ra tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự trình UBTVQH ngày 21/4.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng: Nghiên cứu phát triển án lệ là có cơ sở, vấn đề này cũng đã được thảo luận kỹ trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên ông đánh giá dự thảo luật xác định khái niệm “án lệ” chưa rõ.
Thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên
Về cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân sơ thẩm, một trong hai phương án được dự thảo Luật đưa ra là thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và quy định Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực có các Tòa chuyên trách: Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa giản lược.
Ủy ban Tư pháp cho rằng, tại Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực nói chung có các Tòa chuyên trách là hợp lý, nhưng việc thành lập cụ thể những Tòa nào ở Tòa án sơ thẩm khu vực nào thì do Chánh án TANDTC quyết định căn cứ vào các tiêu chí cụ thể.
Riêng đối với Tòa gia đình và người chưa thành niên, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện đánh giá đây là Tòa mới đối với nước ta có trong tổ chức của Tòa án nhân dân cấp cao, TAND cấp tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm, nhưng trong Tờ trình TANDTC chưa thuyết trình rõ về sự cần thiết, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của Tòa này để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.
Giải trình thêm trước UBTVQH, Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh, việc thành lập Tòa án Gia đình và người chưa thành niên xuất phát từ tình hình tội phạm là người chưa thành niên đang chiếm tỉ lệ cao, nghiêm trọng và thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên ở Việt Nam. Hơn nữa, ngày càng nhiều trẻ vị thành niên bị xâm hại, xâm hại về tình dục, bóc lột sức lao động, bạo lực mà trẻ vị thành niên là nạn nhân của những mâu thuẫn, bạo hành trong gia đình cũng như việc ly hôn của cha mẹ. Trong khi đó, ở nước ta chưa có một tổ chức hay cơ quan chuyên trách để xét xử các vụ án liên quan đến tuổi vị thành niên phạm tội và các vụ án dân sự liên quan đến lợi ích của người chưa thành niên.
Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định, khi tòa án này được thành lập sẽ chuyên môn hóa công tác giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và thời hạn giải quyết. Đồng thời việc thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên ở nước ta là bước đi cụ thể để thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ các quyền dân sự, các quyền của trẻ em đã được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đồng tình với việc lập Tòa gia đình và người chưa thành niên để bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người chưa thành niên./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam