Chủ tịch nước tiếp đoàn đại biểu Hội Truyền thống Trường Sơn

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Nhà nước luôn ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp to lớn của các lực lượng trên dải đất Trường Sơn, đã hy sinh xương máu và tuổi xuân cho độc lập, thống nhất đất nước.

 Ngày 22/4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp thân mật
đoàn đại biểu Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 22/4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp thân mật đoàn đại biểu Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, nhân dịp hướng tới kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2014).

Hơn 60 đại biểu là những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến Trường Sơn năm xưa bày tỏ xúc động được gặp mặt và trò chuyện với Chủ tịch nước; khẳng định đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với những người đã từng hy sinh tuổi trẻ và xương máu cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Từ đơn vị được thành lập ngày 19/5/1959 với tên gọi quen thuộc Đoàn 559, trong suốt năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các chiến sĩ, thanh niên xung phong đã lập nên chiến công huyền thoại trên tuyến đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh lịch sử.

Trở về sau chiến tranh, những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phòng, dân công hỏa tuyến Trường Sơn vẫn tiếp tục đóng góp sức mình cho công cuộc dựng xây đất nước. Đặc biệt năm 2011, Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam được thành lập. Đến nay, Hội đã phát triển Chi hội tại 47 tỉnh thành và 85 đơn vị truyền thống cấp Sư đoàn, Trung đoàn; tập hợp được gần 30 vạn hội viên là bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn trong cả nước.

Cùng với đẩy mạnh phát huy truyền thống của đơn vị anh hùng, Hội Truyền thống Trường Sơn còn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” với sự tham gia của các doanh nhân, nhà hảo tâm và mỗi cá nhân đã ủng hộ gần 50 tỷ đồng, tặng hơn 1.250 ngôi nhà tình nghĩa, gần 700 sổ tiết kiệm và hàng nghìn phần quà cho các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam, gia đình nữ thanh niên xung phong khó khăn.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu cũng cho rằng, chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng còn gần 10.000 liệt sĩ Trường Sơn chưa được xác định danh tính, quy tập, một số chính sách chưa được giải quyết dứt điểm…

Lắng nghe những chia sẻ của các đại biểu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Đảng, Nhà nước luôn ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp to lớn của các lực lượng trên dải đất Trường Sơn, đã hy sinh xương máu và tuổi xuân cho độc lập, thống nhất đất nước. Huyền thoại đường Trường Sơn đã thể hiện ý chí mãnh liệt của dân tộc vì hòa bình thống nhất Tổ quốc.

Gửi lời thăm hỏi ân cần đến toàn thể các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Chúng ta đã thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh những thành tựu của công cuộc đổi mới, chúng ta cũng cần khắc phục những tồn tại để dân giàu, nước mạnh; để xứng đáng với những hy sinh to lớn của các liệt sĩ, thương binh và của cả dân tộc. Chủ tịch nước mong rằng các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong Trường Sơn cần tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, giáo dục cho thế hệ trẻ, tùy theo sức mình đóng góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Ghi nhận những kiến nghị của các đại biểu, Chủ tịch nước cho rằng Hội Truyền thống Trường Sơn được trở thành thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hoàn toàn chính đáng. Đối với những bất cập trong chế độ chính sách, Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn lắng nghe ý kiến đóng góp và đề xuất của các cá nhân và tổ chức để có điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới./.

Nguồn www.chinhphu.vn