Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, trong một nghiên cứu vừa công bố, UNESCO cho biết mạng lưới điện thoại di động đã phát triển nhanh như vũ bão trong thời gian vừa qua, và phương tiện này đã có mặt tại tất cả các nơi, kể cả những vùng miền thiếu sách báo nghiêm trọng. Hiện nay trên thế giới có khoảng 6 tỷ người sử dụng phương tiện liên lạc không dây này, trong khi một phương tiện vô cùng thiết yếu khác liên quan tới sức khỏe con người, là nhà vệ sinh, hiện chỉ có 4,5 tỷ người được sử dụng hàng ngày. Cũng theo nghiên cứu của UNESCO, trong khi số lượng người sử dụng điện thoại di động phát triển rất nhanh, thì tỷ lệ người thoát nạn mù chữ lại giảm đi, chẳng hạn, trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2000, số người mù chữ trên thế giới đã giảm được 12%, nhưng từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ này chỉ là 1%, và một trong những lý do khiến số người mù chữ không giảm mạnh là do tình trạng thiếu sách báo đang diễn ra khá trầm trọng tại nhiều nơi trên thế giới. Trước thực tế đó, các chuyên gia của UNESCO đang nghiên cứu khả năng dùng điện thoại di động để "lấp chỗ trống" của sách báo, để người sử dụng phương tiện hiện đại và đang rất thông dụng này làm quen với việc đọc sách báo ngay trên phương tiện cầm tay của mình. Tổ chức này đã tiến hành cuộc thử nghiệm kéo dài trong một năm tại 7 nước đang phát triển để tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của những người thường xuyên đọc sách báo trên điện thoại di động, qua đó tập hợp thành một dự án phối hợp với các tập đoàn cung cấp dịch vụ viễn thông để phát triển đại trà việc đọc sách báo trên điện thoại di động. Tuy nhiên, trong một báo cáo mang tên "Đọc sách trong kỷ nguyên điện thoại di dộng”, UNESCO cho biết mục tiêu này trước hết nhằm vào các quốc gia kém phát triển, thiếu sách báo, và sẽ đề nghị chính quyền sở tại hỗ trợ giá mua điện thoại di động và cước hòa mạng, sao cho có nhiều nhất người dân ở đó được sử dụng phương tiện này, vừa làm phương tiện liên lạc, vừa để đọc sách báo.
Theo TTXVN