Tuy nhiên, các nhà khoa học Nga và Nhật Bản lại cho rằng quá trình ấm lên sẽ rất ngắn ngủi và trong tương lai, con người sẽ phải chịu đựng khí hậu lạnh dần. Trưởng phòng thí nghiệm khoa học địa chất môi trường của Học viện Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO) Natalia Ryazanova (Na-ta-li-a Ri-a-da-nô-va) khẳng định thời điểm chuyển tiếp không phải là khí hậu ấm lên mà sẽ là lạnh đi trên toàn cầu. Diện tích các đại dương thế giới sẽ tăng lên làm cho hơi nước cũng tăng theo, vì thế tại một số khu vực, mây cũng gia tăng che mất Mặt Trời. Sau một thời gian ngắn khí hậu nóng lên, hiện tượng này sẽ khiến Trái Đất bắt đầu lạnh hơn. Hiện giới khoa học đang tranh luận với nhau rằng hiện tượng này sẽ xảy ra nhanh hay chậm. Các nhà khoa học Nga đã đưa ra bằng chứng về phát hiện khảo cổ học mới đây tại nước này "voi Mamút đông lạnh với cỏ xanh còn dính trên răng", chứng tỏ hiện tượng khí hậu trở lạnh lần cuối cùng trên Trái Đất xảy ra rất đột ngột. Liên quan đến điều này, các nhà khoa học Nga đang nghiên cứu cơ chế đặc biệt giúp loài chuột chịu đựng được giá lạnh. Thực tế, động vật gặm nhấm có thể dễ dàng chịu được giá rét dưới -50 độ C. Phó Giám đốc Viện Sinh thái và Tiến hóa thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga Alexei Surkov (A-lếch-xây Xu-rơ-cốp) cho biết khi thời tiết giá lạnh, chuột sẽ rơi vào đợt ngủ đông ngắn hạn. Khi ngủ, nhiệt độ cơ thể của chuột giảm xuống gần như còn một nửa, trong khi đối với người, thân nhiệt chỉ giảm khoảng 5 độ C là rất đáng kể. Theo ông Alexei Surkov, có một chất đặc biệt giúp chuột sống qua giá lạnh. Có những enzyme được con vật sinh ra khi nhiệt độ giảm và các enzyme này cho phép chuột đồng thích ứng với giá lạnh.
Hiện các nhà khoa học đang tìm kiếm các gien sinh ra enzyme và cơ chế kích hoạt quá trình này. Trong tương lai, điều đó sẽ giúp tạo ra một loại chất gây mê an toàn có thể bảo vệ con người trước thời tiết lạnh khắc nghiệt.
Theo TTXVN