1. Khủng hoảng tại Ukraina (U-crai-na) ngày càng leo thang phức tạp sau thời hạn chót mà chính quyền Kiev (Ki-ép) đưa ra để giải quyết làn sóng biểu tình, chiếm giữ các tòa nhà công quyền và đòi trưng cầu dân ý về quy chế địa phương ở nhiều thành phố phía Đông và Đông-Nam Ukraina đã trôi qua và không thể vãn hồi sự ổn định. Nhằm tìm kiếm giải pháp “hạ nhiệt” bầu không khí sục sôi này, các bên gồm Ukraina, Nga, Mỹ và EU nhất trí tiến hành đối thoại. Cuộc đàm phán 4 bên diễn ra tại Geneva (Giơ-ne-vơ) – Thụy Sĩ ngày 17-4 đã đạt được nhiều thỏa thuận nhằm làm giảm bớt căng thẳng ở Ukraina. Đại diện Nga, Mỹ, EU và chính phủ tạm quyền Ukraina đã nhất trí thông qua tuyên bố chung xác định các bước đi cụ thể đầu tiên. Phát biểu với giới báo chí sau cuộc gặp mặt kéo dài nửa ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Séc-gây La-vrốp) cho biết, các bên đã thông qua Tuyên bố Geneva, theo đó, tất cả các nhóm vũ trang bất hợp pháp phải bị giải giáp; các đường phố, quảng trường, tòa nhà công bị chiếm đóng phải được giải phóng. Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Giôn Ke-ri) hoan nghênh thỏa thuận 4 bên vừa đạt được nhằm làm dịu tình hình tại Ukraina, song lưu ý rằng các “ngôn từ trên giấy” sẽ chẳng mấy ý nghĩa nếu chúng không được các bên biến thành hành động cụ thể.
Binh lính Ukraine được điều động đến thành phố Slavyansk, miền Đông Ukraine.
2. Trong hơn một thập kỷ nắm quyền của Chính phủ Cách mạng Bolivar (Bô-li-va) vừa qua, phe đối lập Venezuela (Vê-nê-xu-ê-la) chưa bao giờ ngừng thực hiện các âm mưu và hành động chống phá, gây mất ổn định kinh tế-xã hội nhằm lật đổ chính quyền. Vì cuộc đối thoại chính trị vừa khởi động ở Venezuela cũng là lần đầu tiên họ chấp nhận ngồi vào bàn đối thoại đang rất được hoan nghênh. Nhưng Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro (N.Ma-đu-rô) cũng khẳng định: "Đối thoại không đồng nghĩa với thỏa hiệp hay thương lượng về con đường Cách mạng Bolivar". Trước mắt, dù chưa đem lại kết quả cụ thể nào, nhưng chứng tỏ con đường hòa giải ở Venezuela đang đi đúng hướng. Ít nhất cũng đã hình thành một diễn đàn thuận lợi để các bên bày tỏ quan điểm về các vấn đề trọng đại của đất nước.
3. Trong khi đó, Ủy ban chung của LHQ và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) bày tỏ quan ngại về tình hình tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria (Xy-ri) sau khi Damascus (Đa-mát) bỏ lỡ thời hạn chót di dời các kho vũ khí hóa học hôm 13-4 vừa qua. Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric (X.Đu-gia-rích) cho bết, các bên liên quan cần tăng cường nỗ lực nhằm di dời toàn bộ kho vũ khí hóa học của Syria trước ngày 27-4 tới. Việc lỡ thời hạn này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ tiến trình tiêu hủy vào cuối tháng 6 tới. Hiện khoảng 65% số vũ khí hóa học của Syria đã được di dời khỏi lãnh thổ nước này.
P.V