Tiếp tục phiên họp thứ 27, sáng 15/4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi).
Trong lần sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội này, UBTVQH đề nghị bên cạnh việc rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định để thể chế hóa các văn kiện của Đảng, cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những nội dung được đặt ra trong thực tiễn tổ chức và hoạt động của Quốc hội thời gian qua. Đồng thời, pháp điển một bước các quy định về Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đang được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác như: Nội quy kỳ họp Quốc hội, các Quy chế hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để xây dựng một đạo luật mang tính toàn diện, bao quát đầy đủ về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, trong một số lĩnh vực hoạt động của Quốc hội vẫn sẽ có các đạo luật chuyên ngành riêng điều chỉnh cụ thể, chi tiết, như Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội…
Với tinh thần đó, dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) đã có sự điều chỉnh lớn về bố cục so với Luật hiện hành, gồm 6 chương với 133 điều; các điều luật đã được đặt tên theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tiện cho việc theo dõi.
Tại phiên họp này, UBTVQH xin ý kiến các đại biểu về các nội dung liên quan đến: phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; về Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; việc nâng cấp Ban dân nguyện của UBTVQH; Hội đồng bầu cử quốc gia và việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội; về Đoàn ĐBQH...
Thảo luận tại phiên họp, quy định tại khoản 4, Điều 33 của dự thảo Luật “Công dân có thể được tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội” là một trong những nội dung được các thành viên UBTVQH quan tâm. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, cần làm rõ khái niệm “tham dự” là gì và công dân được “tham dự” ở mức độ nào?
Ông Giàu cũng cho rằng cần xem lại quy định mỗi năm một lần ĐBQH phải báo cáo với cử tri về tình hình hoạt động.
Đồng tình quan điểm về quy định công dân có thể được tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, không nên dùng từ “tham dự” bởi “tham dự” tức là có thể được ngồi họp, được phát biểu và tranh luận. Ông chia sẻ, khi đi các nước thì thấy công dân có thể vào dự khán, quan sát để giữ được sự yên tĩnh cho hoạt động của kỳ họp. “Vì vậy, chúng ta cũng chỉ nên để công dân dự khán, quan sát, theo dõi trực tiếp hoặc gián tiếp các phiên họp của Quốc hội” – ông Hiển đề nghị.
Vị trí, tính chất của Đoàn ĐBQH cũng là một vấn đề được các thành viên UBTVQH quan tâm. Theo Ban soạn thảo dự án luật, hiện đang có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ như Luật tổ chức Quốc hội hiện hành, chỉ coi đây là một hình thức để đại biểu Quốc hội cùng được bầu trong một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các hoạt động của đại biểu. Trong điều kiện đa số đại biểu Quốc hội vẫn hoạt động kiêm nhiệm, chưa có cơ chế để đại biểu Quốc hội có bộ phận giúp việc riêng thì cần tái lập, tăng cường bộ máy, năng lực cho Văn phòng Đoàn ĐBQH ở địa phương để giúp việc chung cho các ĐBQH được bầu trong cùng địa bàn cấp tỉnh.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị khẳng định Đoàn ĐBQH là một cơ quan, có nhiệm vụ, quyền hạn độc lập để có thể chủ động hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng pháp luật, giám sát, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri tại địa phương...
Theo UBTVQH, Hiến pháp hiện không quy định Đoàn ĐBQH là cơ quan thuộc cơ cấu của Quốc hội. Hơn nữa, về nguyên tắc, ĐBQH phải giữ vị trí trung tâm trong hoạt động của Quốc hội, do đó, nếu xác định Đoàn ĐBQH như một cơ quan độc lập có thẩm quyền riêng thì vô hình chung sẽ làm lu mờ vai trò của từng ĐBQH, dễ dẫn đến hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, tạo ra sự chồng chéo, trùng lặp về nhiệm vụ, quyền hạn với các cơ quan đại diện dân cử khác ở địa phương. Do đó, Dự thảo Luật thể hiện vấn đề này theo loại ý kiến thứ nhất.
Bàn về vấn đề này, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đề nghị làm rõ tính pháp lý của Đoàn ĐBQH. Đồng tình Đoàn ĐBQH cần có văn phòng hoạt động nhưng ông nhấn mạnh quan điểm, Đoàn ĐBQH chỉ là nơi tập hợp các đại biểu Quốc hội ở một địa phương, có Trưởng đoàn, giữ mối quan hệ với Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội. Vì thế ông lo ngại “nếu làm không cẩn thận thì Đoàn ĐBQH sẽ như một Quốc hội thu nhỏ”.
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thì cho rằng, Đoàn ĐBQH phải có thiết chế đàng hoàng, có văn phòng hoạt động và phải có một số quyền nhất định.
Một vấn đề đáng chú ý được ông Ksor Phước đề cập tại phiên họp sáng nay là thực trạng các ĐBQH đại diện cho các dân tộc thiểu số ngày càng khiêm tốn. Ông nêu rõ, khi xây dựng đề án cho người dân tộc tham gia Quốc hội thì đặt mục tiêu cố gắng có đại diện của 40 dân tộc. Tuy nhiên, thực tế con số đại biểu đại diện cho các dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội khóa XIII là 28 dân tộc, thấp hơn so với Quốc hội khóa X, XI, XII.
Ông cũng đề xuất thiết kế lại cấu trúc của Hội đồng Dân tộc. “Cơ cấu đại biểu phải thực sự rộng hơn, ngoài đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, thì cần bổ sung thêm số đại biểu HĐND ở các tỉnh, huyện. Số này do UBTVQH quyết định bổ sung và họ được tham gia vào các hoạt động do Hội đồng dân tộc tổ chức” – ông Ksor Phước phát biểu.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, ông Ksor Phước đề nghị bổ sung quyền thẩm tra các dự án, chính sách về dân tộc và các dự án khác có liên quan đến dân tộc./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam