Băn khoăn về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015

Sáng 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 27. Mở đầu chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Trình bày về sự cần thiết phải đổi mới CT-SGK giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho hay, CT-SGK hiện hành gặp phải những hạn chế, bật cập như: Một số nội dung của các môn học chưa đảm bảo tính hiện đại, cơ bản và thiết thực; chưa cân đối giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng và thời lượng dạy học, nặng “dạy chữ” nhẹ “dạy người”. Một số chủ đề còn nặng, khó, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số và học sinh vùng khó khăn…

 

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Bên cạnh đó, nội dung CT-SGK bị “cắt khúc”, không thật đảm bảo tính liên thông, có trùng lặp một số nội dung giữa các lớp học, cấp học và giữa các môn học; chưa liên thông tốt giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ĐH để góp phần thực hiện có hiệu quả việc phân luồng sau THCS và sau THPT…

Do vậy, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, với bối cảnh và thực trạng trên, giáo dục phổ thông Việt Nam nói chung và chương trình giáo dục phổ thông nói riêng cần được đổi mới một cách căn bản, toàn diện ở tất cả những vấn đề lớn, cốt lõi để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực và thực hiện các yêu cầu mà Nghị quyết của Đảng đã đề ra.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn tính khả thi của Đề án đổi mới CT-SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015? Từ nay đến khi xây dựng xong CT-SGK chỉ còn 1 năm rưỡi nữa liệu đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất có đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hay không? Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần phải nêu cụ thể trong Đề án, tránh khi triển khai Nghị quyết lại lúng túng rồi xin tăng thêm kinh phí.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu rõ, Bộ GD&ĐT cần phải có báo cáo đánh giá tổng quát NQ 40 của Quốc hội ban hành năm 2000 về đổi mới CT-SGK, đã làm được gì, chưa làm được gì trong 14 năm triển khai để làm căn cứ xây dựng Đề án đổi mới lần này. Bên cạnh đó, bà Trương Thị Mai đề nghị Bộ GD&ĐT cần phải có một báo cáo tác động của Đề án, phải lượng tính được những công việc cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng đồng tình đề nghị Bộ GD&ĐT làm rõ thêm đánh giá tác động của Đề án, hiện Đề án mới chỉ nêu thuận lợi, nhưng khi triển khai có khó khăn gì chưa rõ. Thêm nữa, việc ban hành NQ về đổi mới CT-SGK sẽ có tác động như thế nào đến CT học hiện nay, và cả trong quá trình triển khai.

Cũng với nhiều băn khoăn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặt vấn đề tính toàn diện của Đề án chưa rõ, thời gian thực hiện đổi mới CT-SGK đến năm nào? Đến năm 2020 giáo dục phổ thông phải đạt được những gì? Ông Ksor Phước đề nghị, dù thế nào thì trong quá trình triển khai đổi mới giáo dục có sự sửa đổi, bổ sung, nhưng việc đổi mới vẫn phải mang tính ổn định.

Có ý kiến đề nghị cần đánh giá điều kiện về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục để xác định kế hoạch triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa cụ thể cho từng trường. Nhà nước quy định những điều kiện tối thiểu để thực hiện phần bắt buộc của chương trình, sách giáo khoa mới và ưu tiên tập trung sớm bổ sung điều kiện đối với những trường gặp khó khăn. Nghị quyết cần quy định thời hạn chậm nhất toàn quốc áp dụng CT-SGK phổ thông mới.

Giải trình làm rõ thêm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, CT-SGK mới hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học, đồng thời phát huy cao nhất tiềm năng riêng của mỗi học sinh. Điều này đòi hỏi phải thay đổi mạnh mẽ cả về cách lựa chọn và sắp xếp nội dung giáo dục, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, phương pháp kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục.

Thứ trưởng cho biết, nội dung CT-SGK phải đảm bảo chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và đảm bảo tính chỉnh thể, linh hoạt, thống nhất trong và giữa các cấp học; đảm bảo kế thừa những thành tựu của Việt Nam và vận dụng hợp lý kinh nghiệm quốc tế về phát triển chương trình giáo dục phổ thông.

Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng đảm bảo tiếp nối từ chương trình giáo dục mầm non, đồng thời tạo nền tảng cho chương trình giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; đảm bảo liên thông giữa chương trình, sách giáo khoa cấp học, lớp học, giữa các môn học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo và trong mỗi môn học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Mặt khác, Chương trình được xây dựng theo một chỉnh thể, nhất quán từ lớp 1 đến lớp 12, từ cấp học đến các môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm đảm bảo tính thống nhất và hệ thống; được thiết kế theo hai giai đoạn: Chương trình cấp tiểu học và chương trình cấp THCS là bắt buộc hay là giáo dục cơ bản; chương trình cấp THPT là nâng cao, phân hóa và định hướng nghề nghiệp hay là sau giáo dục cơ bản.

Để đảm bảo tính khả thi, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thông tin, cùng với Đề án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, Bộ GD&ĐT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ thêm 2 Đề án gồm: Đề án Đổi mới đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và Đề án Xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng điều kiện tối thiểu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Về kinh phí thực hiện Đề án, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, dự kiến kinh phí chi cho Đề án khoảng hơn 34.275 tỷ đồng bao gồm: xây dựng chương trình, tổ chức dạy thử nghiệm, tổ chức dạy đại trà trong đó có bổ sung cơ sở vật chất thiết bị, công tác tuyên truyền đổi mới CT-SGK, đổi mới công tác quản lý, trong đó chưa tính kinh phí xây dựng cơ sở vật chất ở những trường còn thiếu trong 1 đến 2 năm./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam