Trình bày sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Dạy nghề, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, trước hết việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dạy nghề theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện dạy nghề là một trong những giải pháp cơ bản, có tính cấp bách để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục, dạy nghề trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, qua 5 năm thi hành Luật Dạy nghề, do tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, giáo dục, đào tạo nói riêng đã có những thay đổi, nên một số quy định trong Luật Dạy nghề không còn phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng, trước mắt vào năm 2015, Việt Nam tham gia vào Cộng đồng ASEAN, đòi hỏi dạy nghề cần phải đổi mới cho phù hợp với tình hình trong nước, khu vực và quốc tế.
Theo Bộ trưởng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Dạy nghề cơ bản giữ nguyên kết cấu, thực hiện sửa đổi, bổ sung 37 điều, bỏ 9 điều (trong đó có một chương) trên tổng số 92 điều của Luật Dạy nghề. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 03 nhóm vấn đề. Cụ thể, nhóm vấn đề được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy nghề theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI); Nhóm vấn đề được sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập của Luật hiện hành; Nhóm vấn đề được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các luật khác.
Trình bày cụ thể về những điểm sửa đổi, bổ sung, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, dự thảo Luật bổ sung thêm nhiều quy định về đa dạng hóa hình thức và tổ chức đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người học có cơ hội lựa chọn phương thức học tập phù hợp với năng lực và điều kiện cá nhân và học tập suốt đời; đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình dạy nghề, cách thức đánh giá người học; thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề trong quá trình hoạt động dạy nghề; đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động…
Đáng chú ý, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định Nhà nước thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng dạy nghề đối với cơ sở dạy nghề hoặc doanh nghiệp. Việc đấu thầu, đặt hàng dạy nghề được thực hiện theo nhu cầu sử dụng lao động ở những nghề đặc thù, nghề thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn; nghề thị trường lao động có nhu cầu nhưng khó thực hiện xã hội hoá, do các Bộ, các địa phương quyết định. Các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu, ngoài các điều kiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công ích sử dụng ngân sách nhà nước, muốn tham gia đấu thầu, đặt hàng dạy nghề phải cam kết bố trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.
Mặt khác, dự thảo luật cũng quy định về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp nhằm tiến tới hình thành cơ chế gắn kết: Doanh nghiệp tuyển dụng lao động sau đó cùng với cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề, kết thúc đào tạo, người học làm việc ngay chính tại doanh nghiệp. Hoặc doanh nghiệp nêu yêu cầu về số lượng, chất lượng lao động, cơ sở dạy nghề tuyển sinh, phối hợp với doanh nghiệp tổ chức dạy nghề, kết thúc đào tạo, cơ sở dạy nghề bàn giao cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp.
Thảo luận tại phiên họp, nhiều thành viên UBTVQH đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề và đa số ý kiến nhất trí với những nội dung của Dự thảo Luật. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng còn nhiều vấn đề của thực tế mà dự thảo Luật chưa đề cập đến.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bày tỏ băn khoăn luật chưa đề cập đến những giải pháp giải quyết những vấn đề đang diễn ra trong thực tế. Đó là tình huống người có bằng đại học rồi quay lại chọn học cao đẳng, trung cấp nghề; hay thực trạng nhiều người đã có trình độ đào tạo lao động trong nước nhưng khi làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài thì họ phải đào tạo lại.
Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cũng lo ngại về chất lượng dạy nghề hiện nay. Ông cũng đề cập đến tâm lý “sính bằng cấp” khi phần lớn học sinh tốt nghiệp phổ thông chọn thi đại học, chỉ có khoảng 10% học sinh chọn đi học nghề. Từ đó, ông đề nghị Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền làm rõ Luật này sẽ quy định như thế nào để thu hút học sinh học nghề, khắc phục tình trạng thừa thầy thiếu thợ?
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển thì cho rằng bây giờ có tình trạng trường công nhân kỹ thuật cố gắng nâng lên thành trung cấp rồi cao đẳng, đại học. Cuối cùng mục tiêu của chúng ta là đào tạo công nhân lành nghề lại trở thành đào tạo thầy, lẫn lộn giữa đào tạo thầy và thợ. “Cần quy định chặt chẽ, đào tạo nghề là đào tạo nghề. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” – ông Hiển phát biểu.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì đề cập tới việc đầu tư vào nghề trọng điểm quốc gia. Nghiên cứu kỹ danh mục nghề trọng điểm quốc gia theo quyết định của Bộ LĐ-TB&XH, bà Mai nhấn mạnh, không thể có đến 112 nghề trọng điểm quốc gia, mà nhiều nghề không biết có phải là nghề trọng điểm như bán hàng siêu thị, nghề chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ chăm sóc gia đình … “Tôi cho rằng những nghề này không thể gọi là nghề trọng điểm quốc gia được. Tôi không biết Bộ LĐ-TB&XH dựa trên tiêu chí gì để quyết định danh mục nghề trọng điểm quốc gia? Đề nghị rà soát lại toàn bộ nghề trọng điểm quốc gia và đề nghị có một điều luật cụ thể về tiêu chí nghề trọng điểm quốc gia, nếu không sẽ phân tán nguồn lực đầu tư” – bà Mai nêu quan điểm.
Ngoài ra, bà Trương Thị Mai cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ các chính sách sửa đổi trong dự thảo Luật có góp phần tạo ra bước đột phá cho nguồn nhân lực trong 5-10 năm tới hay không? Đồng thời đề nghị phải đưa vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là mục tiêu hàng đầu đối với việc sửa đổi lần này”./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam