Cô Nguyễn Ngọc Mỹ Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Khó khăn nhất là bố trí lớp học cho trẻ, đa phần các em đều bị khuyết tật, độ tuổi khác nhau, nhưng nhà trường có ít giáo viên nên không phân biệt theo lớp, mà theo thực tế trình độ của các em. Để phát triển trí tuệ và luyện kỹ năng, kết hợp dạy văn hóa cho các em, giáo viên phải xây dựng kế hoạch giảng dạy cụ thể cho từng khối, từng trẻ.
Cô và trò trường giáo dục chuyên biệt Tương Lai
Trong các tiết dạy đều sử dụng những trang thiết bị, đồ dùng dạy học trực quan để giúp các em tiếp thu tốt hơn. Đối với lớp khiếm thính, nhà trường đầu tư một phòng cách âm để dạy cho các em nghe và nói, kết hợp dạy ngôn ngữ khẩu hình, hội thoại, giảm đi ngôn ngữ dấu. Với lớp chậm phát triển các em học 4 kỹ năng: tự lực, vận động, xã hội, giao tiếp. Đặc biệt, chú trọng đến kỹ năng “tự lực” để cho các em tự vận động trong sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, các em còn có những giờ học vận động, ngoại khóa, kết hợp vui chơi giải trí được sắp xếp một cách khoa học. Song song với việc giáo dục trẻ, nhà trường còn chú trọng chăm sóc sức khỏe, thể chất. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức tư vấn tâm lý, tập luyện kỹ năng dạy dỗ trẻ ở nhà cho phụ huynh là một yếu tố không thể thiếu góp phần mang lại hiệu quả giáo dục đối với các em. Bởi vì nếu chỉ luyện tập ở trường mà không thực hiện ở nhà thì sẽ không hình thành được thói quen cho trẻ. Vì vậy, nhà trường phối hợp với phụ huynh rèn luyện kỹ năng cho trẻ, không làm thay mà để trẻ tự lực và động viên khích lệ trẻ làm; thường xuyên thông báo tình hình của trẻ cho nhà trường để trường có kế hoạch điều chỉnh phương pháp dạy phù hợp cho các cháu.
Cô Hoa cho biết thêm: Trước đây, khi mới vào trường nhiều trẻ không tự làm mà phụ thuộc vào người khác. Giờ đây nhiều trẻ đã biết tự phục vụ, phụ giúp cô dọn dẹp lớp học, bữa ăn... Đa số các cháu tại trường đã biết đọc, biết viết và ý thức được. Các em cũng tự tin và hòa đồng hơn so với trước rất nhiều.
các em khối khiếm thính đang tập trung học con số.
Chị Nguyễn Đoàn Mai Phương, phụ huynh của em Nguyễn Hải Đăng (8 tuổi) vui mừng cho biết: Cháu bị bệnh Down trước khi đưa vào đây học, cháu không thể làm bất cứ việc gì, chỉ biết chạy lung tung. Sau một thời gian học ở trường, tính tình của cháu đã thay đổi rõ rệt. Cháu biết ngồi yên một chỗ, biết viết, biết giơ tay phát biểu và biết làm nhiều thứ khác nữa. Gia đình rất mừng vì con mình trưởng thành, tiến bộ như vậy.
Khác với trẻ bình thường dễ “đo, đếm” sự tiến bộ hàng ngày, còn trẻ khuyết tật chỉ một kỹ năng nhỏ nhưng cũng phải dạy đi dạy lại mất nhiều tháng các em mới làm được. Các cô phải đảm đương nhiều vai trò một lúc là cô giáo, người mẹ, người bạn. Dù khó khăn như vậy nhưng nhờ kiên trì, chịu khó, lòng yêu nghề và tình thương yêu con trẻ thật lớn lao, các cô giáo ở đây vượt qua áp lực công việc để gắn bó dạy dỗ các em. Các cô dạy ở Trường chuyên biệt Tương Lai chính là những người “đưa đò” âm thầm, giúp trẻ em khuyết tật vượt qua mặc cảm để hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tiến Mạnh