Phát huy lợi thế này, thời gian qua ngoài việc quy hoạch các vùng chuyên canh về trồng nho, táo, lúa giống, bắp lai giống, sản xuất rau an toàn, huyện Ninh Phước còn triển khai 24 mô hình phát triền kinh tế trên các lĩnh vực nông – lâm – thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra nhiều hướng phát triển kinh tế mới cho ngành nông nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Thị Luyện, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để hướng nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, ngoài việc quy hoạch, bố trí cây trồng phù hợp với từng loại đất để vừa đảm bảo kinh tế, vừa tiết kiệm nước, địa phương còn phối hợp với ngành Nông nghiệp triển khai các mô hình sản xuất mới cho nông dân như: Mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa; mô hình “Sản xuất lúa giống”, mô hình “sản xuất rau an toàn”... tại các xã Phước Hậu, Phước Sơn, Phước Vinh, An Hải với diện tích hàng trăm ha.
Ninh Phước tập trung xây dựng nông thôn mới.
Ảnh: Văn Miên
Qua kết quả thu hoạch cho thấy, các mô hình trên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, trong đó điển hình nhất là mô hình “1 phải, 5 giảm” từ 136 ha trong vụ hè – thu năm 2012 đến nay đã tăng lên trên 980 ha, năng suất bình quân đạt 73tạ/ha, cá biệt có 15 ha tại xã Phước Thái và Phước Hậu năng suất đạt từ 80 - 90 tạ/ha, lợi nhuận thu được tăng 7,3 triệu đồng/ha so với tập quán canh tác cũ.
Xác định sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương, hiện nay ngoài việc tập trung triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Ninh Phước đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, chuyên canh, thâm canh cây trồng có năng suất, chất lượng cao trên cơ sở áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để hướng đến xây dựng thương hiệu nông sản. Đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại diện tích nuôi tôm thương phẩm và khu vực sản xuất tôm pots ở vùng chuyên canh An Hải - Phước Hải, hướng đến hình thành các vùng nuôi tôm tập trung cho hiệu quả cao về nhiều mặt: kinh tế, môi trường và xã hội. Chỉ tính riêng trong năm 2013, huyện Ninh Phước phát triển diện tích nuôi tôm thịt được 156 ha (vượt 6,9% so với kế hoạch), sản lượng đạt 1.400 tấn. Về sản xuất tôm giống, hiện toàn huyện có 72 trại tôm giống đang hoạt động, hàng năm xuất bán trên 7.700 triệu con post. Với lợi thế đó, xã An Hải đang được ngành Thủy sản chọn để quy hoạch thành Trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước.
Thu hoạch nho. Ảnh: Thanh Long
Không chỉ tập trung phát triển các mô hình sản xuất, huyện Ninh Phước rất linh hoạt trong việc vận dụng các cơ chế, chính sách và khuyến khích các thành phần kinh tế chủ động liên doanh, liên kết thành các HTX và Tổ hợp tác (THT) để mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn huyện Ninh Phước có 27 HTX và 143 mô hình trang trại đang hoạt động. Trong đó, có 17 trang trại trồng cây hàng năm, 4 trang trại trồng cây lâu năm, 17 trang trại nông- lâm kết hợp, 97 trang trại chăn nuôi, 3 trang trại thủy sản và 5 trang trại tổng hợp. Điều đáng mừng là hầu hết các HTX đều thực hiện tốt việc cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch, phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình thâm canh, bảo vệ thực vật và triển khai các điểm trình diễn lúa giống mới, để nông dân có điều kiện tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Chính nhờ bước tiến này, đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của huyện đạt 14,62%, giá trị sản xuất ngành nông-lâm-thủy sản đạt trên 790 tỷ đồng, tăng gấp 1,39 lần so với năm 2010.
Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp của huyện có tốc độ phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2011 – 2015, trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đến năm 2020, huyện Ninh Phước đã lựa chọn 6 loại cây trồng chính là lúa, bắp, nho, táo, thuốc lá, cây neem để ưu tiên phát triển. Bên cạnh đó, huyện còn ban hành kế hoạch nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đến năm 2015. Theo đó, sẽ có 11 mô hình được triển khai để nông dân áp dụng, bao gồm: trồng trọt 6 mô hình, chăn nuôi 3 mô hình, thủy sản 1 mô hình và lâm nghiệp 1 mô hình. Phấn đấu đến cuối năm 2015 nhân rộng mô hình “1 phải 5 giảm” đạt khoảng 4.000 ha; xây dựng vùng chuyên canh cây táo theo hướng an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP đạt quy mô 260 ha và cây nho 803 ha; mở rộng diện tích trồng bắp tại các xã Phước Sơn, Phước Vinh lên trên 2.500 ha và trồng rau tại các xã An Hải, Phước Hải, Phước Vinh lên 88 ha, nhằm đưa giá trị sản xuất bình quân trên mỗi ha đạt từ 70-80 triệu đồng/năm vào năm 2015 và đạt 120-130 triệu đồng/năm vào năm 2020. Tập trung nâng cao chất lượng đàn gia súc bằng việc đưa tỷ lệ sind hóa đàn bò đến năm 2015 đạt 38%, nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp gắn với đầu tư của doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, đáp ứng được nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng và tham gia thị trường xuất khẩu, hướng tới xây dựng ngành Nông nghiệp của huyện phát triển toàn diện, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Văn Thanh