Chúng tôi đến trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS Lê Lợi (xã Phước Thắng), nơi có 116 học sinh theo học tại 6 lớp. Do đặc thù tại địa phương, nhiều gia đình có đất rẫy ở xa nên học sinh theo mẹ lên rẫy, không tới lớp học chuyên cần. Hiện tại trường vẫn còn 11 học sinh nghỉ học cách nhật đi làm thêm hoặc theo gia đình lên rẫy chưa tới trường học.
Lớp học phụ đạo tại Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS Lê Lợi (xã Phước Thắng).
Theo cô giáo Nguyễn Thụy Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thông thường các em hay nghỉ học vào dịp cuối tuần, trước hoặc sau lễ, Tết. Nhất là sau Tết Nguyên đán số học sinh đến trường chỉ được khoảng 80%. Từ khi trường chuyển sang học bán trú 2 buổi mỗi ngày, cùng với việc đảm bảo chỗ ăn, nghỉ cho các em, nhà trường còn tăng cường phụ đạo và ôn bài cho học sinh vào buổi chiều. Những trường hợp học sinh vận động không được thì nhà trường chuyển qua dạy phổ cập. Đến nay, trường đã vận động, duy trì được 4 lớp phổ cập với trên 60 học sinh thuộc 3 khối 7-8-9.
Toàn huyện Bác Ái hiện có 36 cơ sở trường học thuộc quản lý của phòng GD&ĐT huyện, trong đó có 9 trường THCS với 1.361 học sinh, 16 trường Tiểu học với 2.961 học sinh và 11 trường Mầm non có 1.721 em. Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Bác Ái, sau tết, toàn huyện chỉ có hơn 86% học sinh trở lại lớp học. Còn lại giáo viên phải phối hợp với chính quyền địa phương đi vận động học sinh mới trở lại trường. Đến nay sỹ số học sinh đến trường đã đạt mức 93%, cao hơn so với nhiều năm trước đây.
Thầy Phạm Xuân Lan, Phó phòng GD&ĐT huyện Bác Ái cho biết: Đặc điểm học sinh ở Bác Ái thường nghỉ học cách nhật. Do các em chưa chú trọng và thiếu động lực trong việc học. Trong khi đó phụ huynh ít quan tâm tới việc học của con em mình. Mặt khác, có một số đối tượng đi làm ăn xa về rủ rê, dụ dỗ học sinh đi làm, nên phải mất nhiều thời gian vận động số học sinh này mới quay lại trường.
Nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học và nghỉ học cách nhật, các trường học cũng như ngành giáo dục huyện Bác Ái đã thực hiện nhiều biện pháp thông qua họp Ban vận động phổ cập, lập danh sách học sinh nghỉ học đưa về các thôn, thông báo cho gia đình. Giáo viên ngoài việc dạy ở trường còn chia thành các nhóm, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đến tận từng hộ gia đình vận động học sinh đến lớp, coi như đó là một chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều trường còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động văn nghệ để tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho các em.
Thầy Lan cho biết thêm: Phòng giao trách nhiệm cho giáo viên phải cam kết duy trì sỹ số. Trường hợp học sinh nghỉ cách nhật thì phải tổ chức học ngoại khóa ôn lại bài cho các em. Các trường, ngoài việc nâng cao chất lượng dạy học phải duy trì tốt việc học ngày 2 buổi, lo đảm bảo bữa ăn bán trú cho học sinh để các em yên tâm học tập.
Phát huy hiệu quả mô hình học bán trú, năm học 2013-2014, huyện Bác Ái đã có 9 trường thực hiện việc học ngày 2 buổi, tổ chức bữa ăn và sắp xếp chỗ nghỉ tại trường cho học sinh bán trú. Qua đó, đã huy động các nguồn lực xã hội hóa để cùng với chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh miền núi đảm bảo bữa ăn cho các em. Giáo viên các trường đã phát huy trách nhiệm, phân công người đi chợ, nấu bếp vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí, vừa luôn kịp thời động viên học sinh chăm học, vươn lên. Chính vì vậy, bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục ở huyện miền núi Bác Ái, tình trạng học sinh bỏ học theo cha mẹ lên rẫy giảm dần. Thay vì đó, các em dành nhiều thời gian hơn để học tập, ôn bài tại trường dưới sự hướng dẫn phụ đạo của giáo viên.
Ngũ Anh Tuấn