Nhà có điều kiện để đi học nhưng em thích đi biển hơn vì có thể kiếm được tiền tiêu xài”, Tám tâm sự. Thường ngày, em nấu cơm, phụ việc cho các thuyền viên trên tàu trong những chuyến khơi xa, khi thì câu mực.
Nhiều em trong độ tuổi 13 – 17 bỏ học giữa chừng để đi theo các tàu thuyền lao động kiếm tiền.
Ảnh: Trang Nhung
Em N.Đ.Khoa, ở thôn Khánh Hội (xã Tri Hải, Ninh Hải) nghỉ học từ năm lớp 8, cho biết: “Khi thấy các bạn bằng tuổi nghỉ học để đi biển, có tiền tiêu, em cũng nghỉ học để đi biển. Tàu cá ngày càng nhiều nên rất cần lao động. Vào những mùa trúng cá, thu nhập một tháng của tụi em có thể trên dưới chục triệu đồng.”
Cũng giống như Tám và Khoa, từ lâu ở các làng biển, nhiều em trong độ tuổi 13 – 17 bỏ học giữa chừng và sớm bước vào cuộc sống mưu sinh. Đa số theo tàu đánh bắt thuỷ sản, một số em vào thành phố kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Trao đổi với chúng tôi, chị Đào Thị Loan, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết, tình trạng học sinh (HS) bỏ học đang là vấn đề đáng lo ngại của địa phương hiện nay. Từ đầu năm học 2013 – 2014, toàn xã có 31 em bỏ học, trong đó 28 HS trường THCS, chủ yếu là con em ngư dân ở các thôn ven biển Mỹ Tân, Mỹ Hiệp. Trước thực trạng đó, UBND xã xây dựng kế hoạch từ đầu năm, phối hợp chặt chẽ với nhà trường thực hiện công tác duy trì sĩ số HS; phân công trách nhiệm cụ thể người vận động, thường xuyên trao đối với nhà trường danh sách, số điện thoại trưởng thôn, chi hội trưởng khuyến học, địa chỉ gia đình để kịp thời vận động các em trở lại lớp. Tuy nhiên, công tác vận động đạt hiệu quả chưa cao, đến nay Ban vận động mới thuyết phục được 14 trường hợp đi học lại.
Tại phường Đông Hải (Tp.Phan Rang – Tháp Chàm), tình trạng cũng tương tự. Năm học 2012-2013, toàn phường có 60 HS cấp THCS bỏ học. Năm học 2013-2014, có 25 em bỏ học, trong đó, đã vận động được 7 em trở lại lớp. Trước thực trạng này, Đảng ủy phường đã ra nghị quyết, UBND phường cũng xây dựng kế hoạch cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc các trường học phải đánh giá đúng chất lượng HS để có hướng phụ đạo kịp thời cho các em có học lực yếu kém.
Ở vùng biển, nhiều phụ huynh mãi lo làm ăn, nên ít quan tâm tới việc học tập của con cái, thậm chí họ cũng không phản đối khi con em sớm nghỉ học kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Chính điều này khiến việc vận động các em trở lại lớp gặp không ít khó khăn.
Song song với các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế, việc chú trọng giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó có chất lượng giáo dục cho thế hệ tương lai là nhiệm vụ không kém phần quan trọng. Chưa nói đến yêu cầu trình độ chuyên môn ngày càng cao ở mọi lĩnh vực của đời sống, đảm bảo việc đi học để thực hiện quyền trẻ em và góp phần giảm thiểu lao động trẻ em cần có sự vào cuộc tích cực của gia đình, nhà trường và xã hội.
Trang Nhung – Nguyên Hạ