Khó khăn nước sinh hoạt ở các xã miền núi Thuận Bắc

(NTO) Do nắng nóng kéo dài, huyện Thuận Bắc đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn đáng báo động, nhất là tại 2 xã miền núi Phước Kháng, Phước Chiến và các vùng đồng bào dân tộc Raglai thuộc 3 xã miền núi Công Hải, Lợi Hải và Bắc Sơn. Đặc biệt là vấn đề nước sinh hoạt cho người dân và phục vụ chăn nuôi ở Phước Kháng và Xóm Bằng (Bắc Sơn) đang hết sức khan hiếm.

Thực ra không đợi đến thời điểm này, Thuận Bắc cũng đã có 744 hộ khó khăn về nước sinh hoạt, tập trung ở 5 xã miền núi nói trên. Ngay từ đầu tháng 1, anh Ka-tơ Đượng, Chủ tịch UBND xã Phước Kháng đã cảnh báo: Hệ thống nước sinh hoạt dẫn về từ các suối trên núi cao sẽ không đủ cung cấp nếu trời tiếp tục không mưa. Bây giờ điều ấy đã thành hiện thực, trong tổng số gần 552 hộ của Phước Kháng đã có khoảng 90% hộ gia đình trong xã thiếu nước sinh hoạt và nước phục vụ chăn nuôi. Hệ thống nước sinh hoạt tự chảy ngưng hoạt động buộc người dân phải xuống sông, suối đào vét lấy nước về dùng và phải tiết kiệm lắm mới đủ dùng cho sinh hoạt gia đình. Thôn Xóm Bằng có 541 hộ, 2.890 nhân khẩu, cũng đang trong tình trạng khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt. Không chỉ công trình nước do tổ chức Đông Tây Hội ngộ đầu tư, xây dựng dừng hoạt động vì thiếu nước bơm lên, mà cả các giếng đào trong thôn đều đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm. Cũng như ở Phước Kháng, người dân phải đi lấy nước từ sông, suối không đảm bảo hợp vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống cộng đồng.

 
Con suối Lù-kô vùng hạ lưu giáp đập Bến Nung đã cạn nước, chỉ còn trơ sỏi đá.

Theo anh Dương Văn Vĩnh, Trưởng trạm Thủy nông Thuận Bắc, hiện tất cả sông, suối trên địa bàn huyện đều khô cạn; riêng dung tích nước hồ Sông Trâu (Phước Chiến) còn 8,7 triệu m3/31,53 triệu m3 (khoảng gần 27,6% dung tích) và nước hồ Bà Râu (Lợi Hải) còn 1,78 triệu m3/4,67 triệu m3 (trên 38,11% dung tích), tức thấp đến mức đáng lo. Trước tình hình khô nóng, hai hồ này được lấy nước bổ sung cho vùng thuộc ảnh hưởng tưới có sông, suối khô cạn để phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi. Đối với hệ thống thủy lợi Kiền Kiền, mực nước đang xuống cạn chỉ còn đủ cung ứng cho sinh hoạt người dân lân cận, còn xa hơn như Xóm Bằng đành chịu. Có dịp đi lên Phước Chiến rồi trở ngược lại Phước Kháng, chúng tôi cảm nhận được cái nắng gay gắt ở những vùng này. Xã Phước Chiến có may mắn hơn khi hồ Ba Chi vẫn tích nước 309 ngàn m3/408 ngàn m3 (trên 75,73% dung tích) và hồ Ma Trai tích 462 ngàn m3/484 ngàn m3 (trên 95,45% dung tích) nên việc sản xuất, sinh hoạt dễ chịu hơn. Song không phải vì thế mà bớt lo về nước sinh hoạt. Anh Chamaléa Quyền, Chủ tịch UBND xã Phước Chiến cho biết: Đầu năm nay Phước Chiến đã có 126 hộ thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, bây giờ trong thời tiết khắc nghiệt này, số hộ thiếu nước sinh hoạt sẽ còn tăng cao.

Nỗi lo thiếu nước đè nặng các vùng dân cư Thuận Bắc, tuy nhiên theo anh Nguyễn Đức Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến nay vẫn chưa có diện tích cây trồng vụ đông-xuân bị thiệt hại do nắng nóng, đang lo nhất là vấn nạn thiếu nước cho vụ sản xuất hè-thu sắp tới. Như vậy có thể thấy nắng nóng ở Thuận Bắc đang chủ yếu gây tác động thiếu nước sinh hoạt phục vụ nhân dân và chăn nuôi gia súc. Có điều với tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, không ai lường trước hậu quả xảy ra. Chúng tôi được biết sau khi tiến hành khảo sát thực tế khó khăn về nước sinh hoạt, UBND huyện Thuận Bắc đang lập phương án cụ thể để triển khai thực hiện Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt và chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn”. Theo đó trong 2 năm 2014 và 2015, Thuận Bắc đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung cho thôn Xóm Đèn (Công Hải); duy tu, bảo dưỡng 2 công trình nước sinh hoạt tập trung cho thôn Xóm Bằng và thôn Suối Đá (Lợi Hải), đồng thời xây dựng các công trình nước phân tán cho các hộ thiếu nước sinh hoạt ở các xã miền núi trong huyện nói chung.

Trước mắt, với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng của người dân Phước Kháng và Xóm Bằng, theo anh Võ Chi, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, rất cần sự hỗ trợ của tỉnh. Đối với Phước Kháng, phải có phương tiện vận chuyển nước và bố trí lu chứa trong các nhà dân; còn ở Xóm Bằng, giải pháp thiết thực nhất là đưa nước từ Bỉnh Nghĩa lên, về lâu dài sẽ lắp đặt đường ống dẫn nước về Xóm Bằng.