Cùng với các ngành, lĩnh vực kinh tế khác của tỉnh, trong những năm qua, kinh tế Thủy sản tỉnh ta đã và đang phát huy lợi thế phát triển ngành, tạo ra động lực để huy động đầu tư, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế thủy sản như: Năng lực tàu thuyền, sản xuất giống hải sản, lao động biển được đào tạo nghiệp vụ. Những yếu tố đó đã làm tăng mạnh sản lượng khai thác hải sản và sản lượng giống thủy sản. Theo ghi nhận của chúng tôi, từ đầu năm đến cuối tháng 3, lĩnh vực khai thác hải sản tỉnh ta ước tính đạt sản lượng 40.700 tấn hải sản các loại, đạt gần 60% kế hoạch năm và vượt 892% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm các sản phẩm chính là: Cá cơm, cá nục, cá hố, cá ồ, cá ngừ và các loại mực. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, trong quý I toàn tỉnh đã thực hiện diện tích thả nuôi 155,5 ha (chủ yếu tôm thẻ chân trắng), đạt 11,96% kế hoạch, bằng 70% so với cùng kỳ năm trước; qua thu hoạch đạt sản lượng 534 tấn tôm thẻ chân trắng. Điều phấn khởi là hầu hết người nuôi thực hiện nghiêm lịch ngắt vụ, không nuôi trái vụ như những năm trước nên dịch bệnh nguy hiểm không xuất hiện. Về sản xuất giống, tính từ đầu năm đến nay, 450 cơ sở, doanh nghiệp đã sản xuất 4,918 tỷ con giống, bao gồm 4,2 tỷ con tôm thẻ chân trắng giống và 700 triệu con tôm sú giống, đạt 25,8% kế hoạch và tăng 11,6% so với cùng kỳ. Ngoài ra còn có 17 triệu nhuyễn thể giống và 1 triệu con giống cá nước ngọt cũng được sản xuất.
Ngư dân trong tỉnh đầu tư đóng mới tàu thuyền công suất lớn khai thác hải sản xa bờ. Ảnh: Văn Thanh
Nhìn tổng thể trong 5 năm qua (2008-2013), kinh tế thủy sản tỉnh ta đã có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 8,5%, có nhiều đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà, từng bước hòa nhập vào nghề cá cả nước và thu hẹp khoảng cách với các tỉnh trong khu vực. Với bờ biển dài 105 km, biển tỉnh ta tuy không có đảo, nhưng lại được thiên nhiên ưu đãi là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước và đây cũng là nguyên nhân hình thành tập quán khai thác ven bờ của hầu hết ngư dân tỉnh ta. Đứng trước thực trạng này, cuối năm 2013, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã thông qua Đề án tổ chức lại nghề khai thác hải sản và đã được UBND tỉnh ban hành, trong đó tập trung tổ chức lại hoạt động khai thác ven bờ, phát triển đội tàu công suất lớn với các tổ đoàn kết trên biển để vươn khơi khai thác, từng bước hoàn chỉnh hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, đặc biệt là đi đến chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi. Để Đề án triển khai hiệu quả, Sở NN&PTNT kêu gọi bà con ngư dân trong tỉnh ra sức bám biển, đầu tư phát triển tàu công suất lớn, đoàn kết vươn khơi. Theo đồng chí Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, làm được điều này, cũng là thực hiện lời dạy của Bác Hồ nhân dịp Người về thăm làng cá Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng) vào ngày 1-4-1959: “Biển Việt Nam do người Việt Nam làm chủ và hiện diện của ngư dân trên biển là sự thể hiện rõ nhất quyền chủ quyền đó”.
Mùa cá ở Cảng cá Mỹ Tân (Ninh Hải). Ảnh: Văn Miên
Để chuẩn bị bước vào vụ cá Nam năm nay, ngành Thủy sản tỉnh ra sức tác động hỗ trợ, tạo ra một xu hướng phát triển mới của lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và khai thác hải sản ở tỉnh ta. Đặc biệt trong lĩnh vực khai thác hải sản đang có những chuyển động mới, so với đầu năm, năng lực tàu cá toàn tỉnh đã có thêm 17 chiếc (16.293 CV) đóng mới, nâng tổng số tàu cá toàn tỉnh hiện có 2.690 chiếc; riêng tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên có 864 chiếc (209.892 CV). Đó là nhân tố quan trọng tạo tiền đề cho tỉnh ta xúc tiến tổ chức lại sản xuất nghề cá và chuyển dịch dần cơ cấu hải sản đánh bắt theo hướng đi xa bờ, nâng cao giá trị kinh tế, trước mắt là khai thác hiệu quả trong vụ cá Nam.
Bạch Thương