Ông Trịnh Ngọc Lân, ở thôn Hòa Thủy chia sẻ: Dông là loài đào hang rất khỏe, vì vậy để tránh dông thoát ra ngoài thì phải làm móng lấp bạt sâu 0,5 m và xây tường cao 1,2 m để tránh dông bò ra. Nuôi dông chỉ cần đầu tư một lần đầu về chuồng trại và con giống là có thể thu hoạch được nhiều năm.
Mô hình nuôi dông của gia đình ông Trịnh Lân, thôn Hòa Thủ, xã Phước Hải.
Thức ăn của dông từ các loại rau, củ, quả, nhất là rau muống... những thứ này ở địa phương có sẵn. Đây loài vật dễ nuôi, có khả năng kháng bệnh cao, sinh sản nhanh. Tỷ lệ tự sinh sản thành công đạt trên 80%, thời gian sinh trưởng từ 5-7 tháng, trọng lượng dông đạt từ 0,3 - 0,5 kg/con. Hiện gia đình ông Lân nuôi trên 3.000 con dông, mỗi năm ông thu trên 1 tạ dông giống và 90 kg dông thịt. Với giá bán từ 350.000-400.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông có lãi khoảng 40 triệu đồng/năm. Hiện nay, dông đã bán ở các tỉnh Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu được khách hàng tín nhiệm.
Ngoài gia đình ông Lân, ở thôn Hòa Thủy còn có khoảng hơn 20 hộ khác cũng đang phát triển mô hình nuôi dông trên cát, bước đầu đã cho hiệu quả cao như: ông Hà Văn Mệnh, Trần Phán…
Ông Đào Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hải cho biết: Mô hình nuôi dông bước đầu đem lại kinh tế cho các hộ nuôi. Chính vì vậy, trong thời gian tới xã sẽ thành lập Tổ nuôi dông theo hướng tập trung, đồng thời phối hợp với các ngành để tập huấn kỹ thuật cho các hộ nuôi.
Tiến Mạnh