Theo thống kê của Trạm thú y huyện Ninh Sơn, hiện địa phương có tổng đàn gia cầm, thủy cầm khoảng hơn 103.000 con. Trong đó, lượng gia cầm chủ yếu tập trung ở 4 địa phương: Lương Sơn, Quảng Sơn, Nhơn Sơn và thị trấn Tân Sơn. Qua tìm hiểu của chúng tôi, kể từ sau khi xuất hiện dịch cúm tại hộ ông Nguyễn Quang Sơn, ở khu phố 8, Thị Trấn Tân Sơn) từ cuối tháng 1 đến nay, trên địa bàn huyện Ninh Sơn không xuất hiện thêm ổ dịch nào.
Cán bộ thú y tiêm phòng vắc xin cho đàn vịt tại các hộ chăn nuôi .
Khoảng giữa tháng 2, đàn gia cầm của 2 hộ dân ở thôn Trà Giang 3 và 4 (xã Lương Sơn) và một hộ ở khu phố 6 (thị trấn Tân Sơn) có dấu hiệu chết rải rác, tuy nhiên qua xét nghiệm đàn gia cầm của các hộ này cho thấy chỉ mắc bệnh cúm cầu trùng và newcatxơ, nhưng để đảm bảo an toàn trong vùng dịch, Trạm Thú y Ninh Sơn cũng đã yêu cầu các hộ này phối hợp tiến hành thiểu hủy với số lượng hơn 1.000 con. Theo ông Nguyễn Đình Thạnh, Trưởng trạm Thú y huyện Ninh Sơn, hiện nay vùng dịch trên địa bàn đã tạm ổn, nhưng nguy cơ tái phát rất khó nói trước. Bởi ngoài diễn biến thời tiết thì hiện số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn huyện rất nhiều, khó quản lý. Nếu người dân không ý thức trong việc phòng bệnh, chủ động báo với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khi phát hiện dấu hiệu của dịch cúm mà giấu bệnh vì tiếc của, bán chạy ra bên ngoài thì nguy cơ tái phát dịch rất lớn. Được biết hiện nay, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra tại các chốt trạm, các lò giết, mổ thì tại 8 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ninh Sơn đều đang tiến hành tiêm khẩn cấp 100.000 liều vacxin chống cúm H5N1 – R6 cho đàn gia cầm, thủy cầm để phòng chống dịch, tái phát trở lại do Chi cục Thú y tỉnh cấp
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh, ông Võ Đăng Kiều, Phó chủ tịch UBND thị trấn Tân Sơn, địa phương xuất hiện ổ dịch vào cuối tháng 1 cho biết: Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, ngoài việc tiến hành tiêu hủy gia cầm bệnh, triển khai cắm biển báo tại vùng có dịch, địa phương còn thành lập các tổ công tác thực hiện luân phiên việc giám sát tại tất cả các khu phố trên địa bàn thị trấn; tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng tại địa điểm xảy ra ổ dịch và các vùng xung quanh. Cùng với đó, địa phương còn chỉ đạo Ban quản lý các khu phố thường xuyên thông báo trên hệ thống truyền thanh để nhân dân và người chăn nuôi biết về sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm. Từ đó, ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Thời gian qua, một số hộ dân khi phát hiện gia cầm có dấu hiệu bệnh đều chủ động thông báo với chính quyền địa phương để cán bộ thú y theo dõi và có hướng xử lý kịp thời. Đến nay, địa phương không có thêm ô dịch nào xuất hiện và người dân cũng đang thực hiện khá tốt công tác phòng, chống dịch theo tuyên truyền của các cấp ngành.
Mặc dù vùng dịch trên địa bàn huyện đã tạm ổn, tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay tại một số điểm chợ trên địa bàn huyện, ngoài số lượng gia cầm giết, mổ bày bán có đóng dấu kiểm tra của ngành Thú ý thì những khu vực xung quanh các chợ vẫn còn nhiều hộ bày bán, giết mổ “chui” và thải nước ngay tại khu vực chợ, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tạo điều kiện cho các mầm bệnh, dịch cúm tái phát. Ngoài ra, vẫn còn nhiều hộ dân chưa ý thức hết tầm nguy hiểm của cúm gia cầm, còn trong chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa chủ động phòng ngừa bệnh cho gia cầm. Vì vậy, bên cạnh việc triển khai phòng chống dịch khẩn cấp theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các điểm đã xuất hiện dịch thì chính quyền địa phương các xã, thị trấn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Tăng cường kiểm tra ,giám sát buôn, bán giết mổ tại các khu vực chợ, chốt kiểm dịch vận chuyển…để công tác phòng, chống dịch thật sự đạt hiệu quả. Người chăn nuôi, tiêu dùng cũng nên chủ động tìm hiểu về cách phòng dịch, sử dụng thực phẩm có đóng dấu an toàn, không nên chủ quan để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Nguyễn Sơn