Kinh tế toàn cầu đang có những thay đổi nền tảng, với trọng tâm kinh tế toàn cầu dịch chuyển sang khu vực phía Đông. Trong thập kỷ qua, châu Á chiếm tới 55% tăng trưởng thế giới. Bộ Tài chính Australia dự báo châu Á sẽ tiếp tục chiếm hơn 50% tăng trưởng thế giới trong thập kỷ tới, vượt qua các nền kinh tế tiên tiến về GDP tính theo sức mua và trở thành khu vực kinh tế lớn nhất vào năm 2020.
Trong khi tỷ trọng nền kinh tế châu Á trong nề kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trong thập kỷ tới thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực được dự đoán là sẽ giảm xuống. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm tại châu Á trong thập kỷ này dự đoán sẽ xấp xỉ 6% và giảm xuống chỉ còn 3% vào thập kỷ 2030. Để đạt được tốc độ tăng trưởng như dự báo, kinh tế châu Á sẽ cần vượt qua hàng loạt thách thức lớn, bao gồm điều chỉnh chính sách thương mại; già hóa dân số; tự do hóa thị trường tài chính; suy thoái môi trường, đặc biệt là đối phó với biến đổi khí hậu trong dài hạn.
Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng nhanh
Điều chỉnh chính sách thương mại
Mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu đã giúp cho châu Á phát triển nhanh. Nhân tố thúc đẩy kinh tế châu Á tăng trưởng chủ yếu là tiếp thu các mô hình quản lý tiên tiến và sự chuyển giao các công nghệ hiện đại diễn ra đồng thời với quá trình trao đổi thương mại. Xuất khẩu hàng hóa có thể giúp cho tăng trưởng nhưng chính việc tiếp cận với các thiết chế mang đẳng cấp thế giới thông qua quá trình hội nhập với phần còn lại thế giới là điều mấu chốt cho châu Á. Singapore là nước luôn “mở cửa với thương mại” trong nhiều thập kỷ, là một ví dụ điển hình về một nền kinh tế với rất ít tài nguyên thiên nhiên nhưng có thể trở thành giàu có trong mạng lưới thương mại toàn cầu.
Các thỏa thuận thương mại của châu Á đang thay đổi dần môi trường pháp lý trong hoạt động thương mại ở khu vực. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ góp phần hình thành các khung pháp lý cơ bản cho hệ thống thương mại ở khu vực. Hiệp định TPP là trọng tâm kinh tế trong chiến lược “tái cân bằng” hướng tới châu Á của Mỹ, nhưng hiệp định vẫn chưa có sự tham gia của những nước lớn ở châu Á gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. RCEP được xây dựng dựa trên ASEAN và các nước láng giềng, đặt ra ít các tiêu chuẩn hơn TPP nhưng thu hút được nhiều nước tham gia hơn và có thể điều hòa sự khác biệt giữa các nước trong các nguyên tắc về tự do thương mại. Thách thức cho khu vực châu Á trong tương lai là dần thống nhất các nguyên tắc của TPP và RCEP, giúp cho thị trường khu vực cởi mở hơn.
Thay đổi cơ cấu dân số
Lợi thế lớn nhất của châu Á là lao động, nhưng bức tranh toàn châu Á có sự khác biệt. Gần như cả khu vực Đông Bắc Á đang đối diện với quá trình già hóa dân số. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có dân số già đi nhanh chóng, trong đó Trung Quốc chịu hậu quả trực tiếp từ chính sách một con. Tuy vậy Đông Bắc Á không thể chấp nhận chính sách nhập cư cởi mở hơn giống điều mà Australia và Mỹ đã thực hiện để từng phần thay thế lực lượng lao động lớn tuổi.
Nhật Bản đang phải đối mặt với thách thức từ sự già hóa dân số
Dân số già hóa sẽ là một cản trở lớn với châu Á trong những thập kỷ tới đây. Như một hệ quả, những nước với dân số già hóa nhanh chóng đối mặt với thách thức lớn về hệ thống an sinh, thị trường lao động và sức khỏe. Cho tới năm 2050, Nhật Bản sẽ có 40% dân số quá tuổi 60 và giảm 19 triệu người so với hiện nay, làm giảm đi đáng kể đóng góp của Nhật Bản cho kinh tế thế giới.
Trong khi đó, các nước như Ấn Độ và Indonesia đang đối mặt với bùng nổ dân số. Indonesia hiện tại có tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 2,5 triệu người/năm, là một trong những nước có dân số trẻ nhất thế giới với 46% dân số trẻ hơn 25 tuổi, theo số liệu năm 2010. Nếu một lượng lớn những người trẻ tuổi ở Inodonesia không thể kiếm được việc làm và đạt thu nhập ở mức chấp nhận được thì họ có thể là nguyên nhân gây ra những bất ổn xã hội và chính trị.
Để tận dụng lợi thế về dân số, các nước như Indonessia cần giải quyết việc làm, đặc biệt là việc làm cho phụ nữ và đào tạo lao động có tay nghề cao. Diễn đoàn Kinh tế Thế giới gần đây công bố bản báo cáo Khoảng cách giới Toàn cầu năm 2013 đánh giá về tầm quan trọng và sự cần thiết trong giải quyết vấn đề bất bình đẳng về giới. Theo như báo cáo, chỉ 53% nữ giới ở Indonesia tham gia vào lực lượng lao động trong khi con số này là 86% ở nam giới. Khoảng cách giới còn bị đào sâu hơn bởi sự khác biệt trong thu nhập giữa nam và nữ.
Khoảng cách giới rộng là biểu hiện của việc không tận dùng hiệu quả các nguồn lực khả thi của nền kinh tế. Thu hẹp khoảng cách giới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, là một lợi ích lớn thứ hai từ chính sách dân số mà các nhà lập pháp cần tập trung để đảm bảo tăng trưởng trung hạn mạnh mẽ.
Tự do hóa thị trường tài chính
Một thách thức khác mà châu Á đối mặt trong thời gian tới là áp lực từ sự thay đổi dòng chảy vốn. Theo lý thuyết, các nước khác nhau về nhu cầu tiết kiệm và đầu tư có thể được điều hòa bằng thị trường tài chính toàn cầu để đảm bảo dòng vốn từ nước dư thừa tiết kiệm sẽ chảy tới nước có khả năng đầu tư hiệu quả nhất, tạo ra lợi ích giữa người gửi và người nhận. Nhưng ở châu Á vẫn còn nhiều rào cản khiến dư thừa tiết kiệm chảy vào các công cụ tài chính không đem lại lợi nhuận, giống như trái phiếu gần như không có lãi suất ở Mỹ. Do vậy, điều cần được quan tâm hơn nguy cơ đến từ hội nhập thương mại khu vực và điều chỉnh quá trình chuyển dịch dân số ở châu Á chính là phải kiểm soát sự mở cửa của khu vực với những luồng vốn tự do để không làm thui chột các nền kinh tế có thị trường tài chính được chính phủ che chở.
Ví dụ như sự mở cửa tài chính của Trung Quốc tạo ra cơ hội cũng như thách thức khổng lồ. Mặc dù Trung Quốc chiếm khoảng 15% sản lượng kinh tế toàn cầu tính theo giá trị sức mua nhưng đồng Nhân dân tệ chỉ chiếm 2,2% trong trao đổi ngoại tệ toàn cầu. Hơn thế nữa, thị trường chứng khoán Trung Quốc chiếm 7% thị trường vốn hóa toàn cầu, trong khi thị trường trái phiếu Trung Quốc chỉ chiếm 4% trái phiếu toàn cầu. Điều này có nghĩa luồng tài chính chảy tới và chảy đi từ Trung Quốc có thể gia tăng rất nhanh nếu Trung Quốc mở cửa, khiến hệ thống tài chính nội địa dễ bị tổn thương hơn do những biến động ở bên ngoài, đây là điều Trung Quốc chưa có kinh nghiệm xử lý. Trong bối cảnh này, sự hội nhập thận trọng, có cân nhắc và khôn ngoan được ưa chuộng hơn là cải cách mang tính mang tính “bùng nổ”.
Ô nhiễm môi trường
Những thách thức từ môi trường là vấn đề lớn với nhiều nước châu Á, đặc biệt là với Trung Quốc. Vấn đề môi trường tạo ra thách thức không chỉ cho chất lượng sống của người dân bản địa Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới tuổi thọ và năng suất lao động. Bản báo cáo mang tên Trung Quốc năm 2030 của Ngân hàng Thế giới ước tính chi phí cho sự suy thoái và cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc ở tốc độ phát triển như năm 2008 tương đương 9% tổng thu nhập nội địa, gấp 10 lần với con số ở Hàn Quốc và Nhật Bản. 70% các hồ và dòng chảy ở Trung Quốc bị ô nhiễm nghiêm trọng và 50% sông Hoàng Hà bị hủy hoại về mặt sinh học.
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở châu Á ngày càng trầm trọng
Theo như nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Viện nghiên cứu khoa học xã hội Trung Quốc thì hậu quả của ô nhiễm khiến 400 thành phố của Trung Quốc thường phải đối mặt với thiếu nước trầm trọng. Theo báo cáo mang tên Gánh nặng nặng toàn cầu về bệnh tật của Tạp chí y khoa Lancet, ô nhiễm không khí ngoài trời khiến 1,2 triệu người chết ở Trung Quốc năm 2010. Đây là những thách thức môi trường khắc nghiệt cần được xử lý trước khi giải quyết những thách thức dài hạn của biến đổi khí hậu.
Khủng hoảng kinh tế ở các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, giúp cho châu Á có một bài học quý báu, đó là giải quyết các thách thức với nền kinh tế khi quá trình tăng trưởng đang diễn ra mạnh mẽ sẽ dễ dàng hơn nhiều so với khi sự tăng trưởng yếu đi hoặc khi không tồn tại sự tăng trưởng.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN