Quý I-2014: Giá cả tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tăng 5,14%

(NTO) Sau 2 tháng đầu năm tuy giá cả tăng không cao nhưng cũng ”đủ” để làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong tỉnh từ mua sắm theo "’sở thích" sang phải tính toán chi ly hơn... thì đến tháng 3-2014 giá cả hàng hóa tiêu dùng (CPI) đã giảm "âm" ở mức 0,79% so tháng trước (khu vực thành thị giảm 0,77%, khu vực nông thôn giảm 0,82%). Trong đó chỉ số nhóm hàng hoá giảm 1,24% và chỉ số nhóm dịch vụ chỉ tăng 0,06%.

Như vậy, qua 3 tháng đầu năm chỉ số CPI bình quân tăng 5,14%. Về nguyên nhân, theo đánh giá của các nhà chuyên môn do thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán 2014 kéo dài, nhu cầu tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ vui chơi giải trí sau tết cũng tiếp tục tăng nên giá cả tăng theo... Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng sụt giảm như giá khí đốt gas trong 3 tháng đầu năm nay đã có 3 lần giảm tổng cộng 7,41% so với thời điểm đầu tháng 12-2013. Mặt khác, trong tháng 2 và tháng 3 giá gia cầm và trứng đều giảm mạnh do dịch cúm gia cầm (cúm A/H5N1) bùng phát ở một số địa phương nên người tiêu dùng e ngại và "quay lưng" với những mặt hàng này.

 
Người tiêu dùng mua trái cây thương hiệu Việt tại siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc

So với tháng 12-2013, chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,23%, chủ yếu là giá lương thực tăng 2,21%; giá thực phẩm giảm 1,0% chủ yếu giá gia cầm và trứng giảm mạnh. Cụ thể, quý I này thịt gia cầm giảm 3,08%, trứng giảm 7,16%. Thời tiết thuận lợi cho đánh bắt thủy sản và cây trồng nên giá thủy sản và rau củ giảm mạnh trong tháng 3, kéo theo giá những mặt hàng này giảm trong quý I-2014: thủy sản giảm 1,21%, rau củ giảm 11,37%. Ăn uống ngoài gia đình tăng 8,66%. Nhóm đồ uống và thuốc lá chỉ tăng nhẹ 0,26%. Nhóm may mặc tăng 2,46% do nhu cầu về sản phẩm may mặc và giày dép tăng để đi chơi xuân.

Nhóm nhà ở và vật liệu liệu xây dựng giảm 1,93%. Đáng nói là giá vật liệu xây dựng giảm 1,13% do thời điểm đầu năm, nhu cầu xây dựng thấp cùng với lượng tồn kho nhiều ở các nhà máy và cửa hàng bán vật liệu xây dựng... Nhóm giao thông tăng 2,76%: chủ yếu do giá phụ tùng xe tăng 2,39%, giá xăng dầu tăng 3,58% theo giá thế giới, giá bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 16,06%, giá dịch vụ rửa bơm xe tăng 9,54% vào dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên sau tết giá một số dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại và dịch vụ khác vẫn giữ ở mức tăng cao, giá vé tàu hỏa tăng 1,29% so với tháng 12-2013;

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,15%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,82% chủ yếu là hàng hóa và dịch vụ cá nhân tăng 5,37% do nhu cầu sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên Đán.

So với tháng 12-2013 giá vàng tăng 6,36% nhưng bình quân quý I- 2014 giảm 21,25% so với cùng kỳ 2013. Giá đô la Mỹ quý I-2014 giảm 0,5% so với tháng 12-2013, nhưng tăng 0,7% so với bình quân cùng kỳ năm trước.