Đừng tạo thêm ô nhiễm cho môi trường sống của chính mình!

(NTO) Ngày nay, ô nhiễm môi trường không còn là câu chuyện riêng của mỗi địa phương mà đã trở nên phổ biến cả ở thành thị đến nông thôn, ô nhiễm cả “hữu hình” lẫn “vô hình”.

Chỉ tính ở nông thôn, điều dễ nhận thấy nhất về thực trạng này đó là nhiều nông hộ chưa chú trọng đến vệ sinh môi trường. Thậm chí còn làm “xấu” đi môi trường sống của chính mình bởi rác thải đổ bừa bãi, vương vãi khắp nơi, cả chất thải rắn lẫn xác động vật; chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư…

Điều cũng đáng quan tâm là trên đồng ruộng do sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… đã làm cho nguồn nước bị ô nhiễm.

 
Giáo viên và học sinh Trường THPT Lê Duẩn dọn vệ sinh đường liên thôn xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn.
Ảnh: Văn Miên

Đó là chưa nói đến tình trạng vỏ chai, bao thuốc trừ sâu sau khi sử dụng thay vì gom lại một chỗ thì ngược lại nông dân “tiện tay” vứt cả xuống mương, rãnh; vừa gây ô nhiễm, vừa gây nguy hiểm cho những ai vô tình đạp phải. Thực tế cũng dễ nhận thấy là nạn dùng điện ắc-quy để “chích” cá dọc kênh mương một cách vô tội vạ dẫn đến hủy diệt cá lớn, cá bé… làm cho nguồn lợi này ngày càng cạn kiệt và nguy hại hơn làm thay đổi môi sinh, môi trường tạo điều kiện cho các sinh vật gây hại phát triển…

Trước thực tế nêu trên, nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời cũng như lâu dài thì nguy cơ ô nhiễm môi trường sống của các vùng nông thôn trong tỉnh là khó tránh khỏi. Để giải quyết “rốt ráo” vấn đề này, yêu cầu cần quan tâm từ lãnh đạo các địa phương là đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về giữ gìn vệ sinh môi trường sống tại khu dân cư và trong hoạt động sản xuất bằng việc thay đổi tập quán cũ dễ gây tổn hại đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Quy hoạch lại địa bàn dân cư gắn xây dựng nông thôn mới như bê-tông hóa đường giao thông, làm hệ thống thoát nước; đầu tư xây dựng bãi rác hợp vệ sinh, đúng tiêu chuẩn; tuyệt đối không nuôi gia súc trong khu dân cư tập trung… Riêng trên đồng ruộng cần xây dựng các điểm thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật để dễ tiêu hủy. Đồng thời áp dụng các mô hình sản xuất mới như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… để giảm bớt sự “đầu độc” môi trường và cho chính người nông dân.

Đã đến lúc cần quan tâm đến môi trường sống chung và cho cả chính mình bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, vì một môi trường không ô nhiễm.