Từ những con số …
Số lượng bom, mìn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đã trút xuống đất nước Việt Nam gấp bốn lần cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Mỗi km2 trên đất nước chúng ta gánh chịu 46 tấn bom đạn, trong đó có khoảng 10% chưa phát nổ. Hiện nay, trong 63 tỉnh, thành có 7.648/8.686 xã bị ô nhiễm bom, mìn với diện tích gần 6,6 triệu ha (chiếm 20,12% diện tích cả nước). Sau gần 40 năm (kể từ 1975 đến nay) với nhiều nỗ lực nhưng chúng ta chỉ mới làm sạch khoảng 3,26% diện tích bị ô nhiễm bom, mìn; số còn lại khoảng trên 96% vẫn còn trong tình trạng “tử thần nằm trong lòng đất”. Cũng trong thời gian ấy, đã có trên 42.000 người chết, trên 62.000 người bị thương, trong đó có 1/3 là trẻ em. Để chế tạo một quả bom, mìn chỉ cần khoảng 16 USD nhưng để dọn sạch 1 quả bom mìn phải tiêu tốn 800 USD (chưa kể hậu quả phát sinh về môi trường và sức khỏe, sự sống). Mỗi năm, Nhà nước chúng ta đã phải chi từ ngân sách khoảng 2.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả bom, mìn. Theo ước tính, cần khoảng hàng chục tỷ USD và khoảng 300 năm nữa mới có khả năng “làm sạch” loại này. Hơn 100.000 nạn nhân đang tiếp tục bị những cơn đau thể xác hoành hành … Đó chỉ mới là những con số trực tiếp! Sự kinh hoàng và đau đớn đâu chỉ dừng lại ở chừng ấy con số? Một người chết, một người bị thương, một người đau đớn là mang theo hệ lụy cho gia đình (Ông, Bà, Cha, Mẹ, Con, Cháu và nhiều người thân khác). Nhiều thế hệ vẫn còn đang phập phồng, lo âu bởi không biết hậu quả tàn khốc của bom, mìn sau chiến tranh đe dọa bất kỳ lúc nào …
Đến những nỗi đau …
Với tinh thần nhân đạo, chính sách mở rộng giao lưu hợp tác “thêm bạn bớt thù” và “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” chúng ta đã phải gạt bỏ những định kiến, tìm sự bao dung để xây dựng cuộc sống mới ngày càng tươi đẹp hơn. Thế nhưng … sự hiện hữu của những con số, những mảnh đời mà sau mấy chục năm chiến tranh vẫn còn mang trên mình những chứng tích. Hàng ngày, hàng giờ và thậm chí từng phút, từng giây đối mặt với cái chết. Có những cái chết bất ngờ, mau lẹ; có những cái chết cứ dai dẳng gặm nhắm và có những cái chết như “thòng lọng của tử thần” treo lơ lửng trước mặt, cả trong lòng đất … Chiến tranh đã qua nhưng mảnh đất này đâu thể nói là không còn tiếng bom, mìn? Những tiếng nổ bắt nguồn từ dã tâm xâm lược vẫn còn đó. Những cái chết bắt nguồn từ âm mưu thôn tính đất nước này vẫn còn đó. Chúng ta đã phải “vượt lên số phận” để xây dựng cuộc đời mới nhưng không có nghĩa là chúng ta bất chấp mọi giá trị. Biết bao nhiêu người đã ngã xuống bởi bom mìn, súng đạn trong chiến tranh mà mãi đến giờ này vẫn chưa tìm được thi thể, hài cốt để đoàn tụ với gia đình. Biết bao người thương tích của chiến tranh vẫn còn gây nhức nhối không chỉ về thể xác mà cả tinh thần. Những nỗi đau ấy có thể nào không làm cho mỗi người chúng ta trăn trở, suy tư? Một hậu quả khác cũng cần được tính đến là với 20 triệu ga-lông tương đương với 75, 8 triệu lít chất độc da cam, hơn 2 triệu người nhiễm độc, hơn 5 vạn trẻ em sinh ra đã dị dạng, quái thai … Mỗi năm, tháng Tư về trên đất nước chúng ta, người dân Việt Nam vui mừng chào đón, kỷ niệm ngày đoàn tụ, thống nhất đất nước. Trong niềm vui đó, những nỗi đau vẫn còn đọng lại! Có lẽ nào, ta lại dửng dưng? …
Phạm Văn A
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Ninh Thuận