Người dân bước đầu hưởng lợi qua việc thành lập các tổ nhóm đồng sở thích và triển khai các công trình xây dựng thuộc Quỹ Phát triển cộng đồng (CDF) tại các xã thuộc vùng Dự án.
Nông dân Thuận bắc đầu tư phát triển chuỗi giá trị bò.
Trong 3 tháng đầu năm nay, do kinh phí Dự án còn chờ phê duyệt, trên địa bàn chưa triển khai gì thêm. Tuy nhiên với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng cấp trong năm qua, DASU Thuận Bắc đã đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các hợp phần của dự án. Qua triển khai hoạt động Tiểu hợp phần “Xây dựng môi trường thuận lợi cho quan hệ đối tác khu vực tư nhân trong phát triển nông nghiệp và nông thôn” thuộc Hợp phần 1 (Tăng cường thể chế cho việc thực hiện các sáng kiến vì người nghèo trong Tam Nông), đã giúp cho nông dân và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện tham gia kết nối thị trường. Đơn cử tại Hội chợ Công nghiệp – Thương mại khu vực Miền Trung Tây Nguyên – Ninh Thuận 2013 được tổ chức từ ngày 3 đến ngày 9-10-2013 tại tỉnh ta, DASU huyện đã trưng bày một số sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương như: heo đen, chuối, dê núi, bò vàng, ớt sim, sản phẩm thủ công. Để tổ chức sản xuất các ngành hàng thuộc chuỗi giá trị, DASU huyện đã tổ chức tuyên truyền và thành lập mới 10 nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò và 1 nhóm sở thích nuôi heo đen tại 4 xã dự án.
Sau khi Tổ tư vấn phân tích về các thế mạnh của các chuỗi giá trị huyện nhà, DASU Thuận Bắc đã lựa chọn 5 chuỗi giá trị (Bò, dê, cừu, heo đen và chuối), đồng thời lựa chọn các chuỗi giá trị ưu tiên trên địa bàn các xã dự án. Để phát triển các chuỗi giá trị, Thuận Bắc đã thực hiện chuyển giao mô hình Heifer cho các hộ nghèo và cận nghèo của huyện. Cụ thể DASU huyện phối hợp cùng xã chọn 10 hộ nghèo ở các thôn Suối Le (Phước Kháng), Xóm Bằng (Bắc Sơn) và đã chuyển giao 20 con bò cái sinh sản, bình quân mỗi hộ nuôi 2 con. Ngoài ra đã hỗ trợ cỏ và 16 con bò giống cho 8 nhóm cùng sở thích nuôi bò tại 4 xã dự án, trung bình mỗi xã 2 nhóm, mỗi nhóm nhận 2 con bò đực, riêng 2 nhóm của xã Lợi Hải nhận 4 con bò cái. Đặc biệt đối với nhóm sở thích nuôi heo đen duy nhất (gồm 20 hộ) tại thôn Suối Đá (Lợi Hải) được hỗ trợ 120 con heo, mỗi hộ 6 con. Bên cạnh đó Dự án còn hỗ trợ 50% tiền xây dựng chuồng trại và 40% tiền mua thức ăn. Kết quả hiện nay tình hình bò nuôi theo mô hình Heifer phát triển tốt, còn bò giống cho các nhóm cùng sở thích mới được hỗ trợ vào cuối năm ngoái nên phải nuôi khoảng từ 2 đến 3 năm nữa mới có khả năng phối giống được. Riêng đối với nhóm heo đen ở Suối Đá vì chất lượng giống hỗ trợ và thời tiết bất lợi nên đang tiếp tục tái chăm sóc.
Sau khi thành lập 1 tổ giúp việc, 1 tổ giám sát cộng đồng và 1 tổ duy tu bảo dưỡng công trình ở mỗi xã, DASU Thuận Bắc đẩy nhanh tiến độ đầu tư cho các công trình hạ tầng nông thôn. Đến nay từ nguồn vốn CDF, các công trình phục vụ chuỗi giá trị sản xuất đã được đầu tư xây dựng. Xã Phước Kháng có các công trình: Bêtông hóa 611 m đường giao thông nội đồng Cầu Đá, nâng cấp đập tràn và sửa chữa 402 m kênh mương nội đồng thôn Suối Le, nâng cấp 436 m hệ thống kênh mương nội đồng vùng đất khai hoang thôn Đá Mài Trên. Xã Phước Chiến có các công trình: Nâng cấp, cứng hóa 275 m đường giao thông nội đồng Tập Lá - Đầu Suối A; nâng cấp, sửa chữa 370 m đường nội đồng từ phía nam thôn Động Thông ra vùng sản xuất; kiên cố hệ thống kênh tưới nhỏ xứ đồng Đầu Suối A dài 930 m. Xã Bắc Sơn có các công trình: Kiên cố hóa 185 m mương Tân Khẩn, nâng cấp sửa chữa cầu qua kênh Bắc dài 78 m; sửa chữa 336,5 m hệ thống tưới nhỏ một số đoạn mương Tà Lốc-thôn Xóm Bằng; nâng cấp sửa chữa 152 m đường nội đồng (vùng Mã Ốc) thôn Láng Me. Xã Lợi Hải có các công trình: Làm 470 m đường giao thông nội đồng ra vùng sản xuất cánh đồng Nhíp; nâng cấp, sửa chữa 719 m đường vận chuyển nông sản khu vực phía Bắc thôn Bà Râu 1; bê tông hóa 298 m đường vận chuyển nông sản và nâng cấp, sửa chữa hệ thống kênh mương thoát nước dài 151 m.
Theo anh Lưu Quốc Tuấn, cán bộ đại diện DASU Thuận Bắc, từ kết quả trên, từ nay đến cuối năm vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông huyện sẽ tiếp tục thực hiện các hợp phần theo kế hoạch. Mục tiêu chủ yếu là tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực Ban Phát triển các xã, hỗ trợ con giống và cây trồng cho các nhóm cùng sở thích, chuyển đổi nguồn vốn của cơ sở hạ tầng sản xuất sang cơ sở hạ tầng chung, tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số không có khả năng đóng góp vẫn được hưởng lợi.
Mỹ Sơn: Nâng cấp đường liên thôn nội đồng Phú Thủy - Phú ThạnhTừ nguồn vốn Chương trình Hỗ trợ Tam nông tỉnh, Ban Phát triển xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để nâng cấp đường giao thông liên thôn nội đồng Phú Thủy – Phú Thạnh (phục vụ chuỗi giá trị lúa, bắp, bò) rộng 5m, dài 696m. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi cho người dân trong vùng.
Bạch Thương-Ngọc Hiền