Chúng tôi đến thăm gia đình chị Trịnh Thị Nga, thôn Quán Thẻ 1, (xã Phước Minh, Thuận Nam) có chồng là anh Lưu Vũ Tân, công nhân Công ty Muối Cà Ná, bị tai nạn lật xe, mất hồi tháng 9 - 2013, để lại cho chị Nga hai người con: Con trai lớn thực hiện nghĩa vụ quân sự, con trai út học lớp 6. Chị ngậm ngùi kể: Trước đây, mọi chi phí trong nhà đều dựa vào đồng lương công nhân của anh. Từ khi chồng qua đời, tôi mất đi chỗ dựa lớn. Ruộng đất không có, tôi xin đi làm công nhân ở Công ty Muối Cà Ná mới chỉ gần 2 năm nay, mỗi tháng ngoài trang trải chi phí học tập cho con, tôi còn dành dụm trả nợ, nên cuộc sống của ba mẹ con còn thiếu thốn đủ bề. Mỗi ngày dậy từ 4 giờ sáng nấu cơm cho con, rồi lại dọn dẹp, chuẩn bị để kịp giờ đi làm, đến chiều tối mới về nhà.
Sau giờ làm, chị Trịnh Thị Nga, thôn Quán Thẻ 1 (Phước Minh, Thuận Nam) một mình vất vả chăm lo cho con.
Không như chị Nga, đã hơn nửa năm nay, ông Lê Thành Thông, thôn Tri Thủy (xã Tri Hải, Ninh Hải) vẫn đau đáu nỗi đau mất con. Tháng 5-2013, con trai ông là anh Lê Vương Thà xin vào làm công nhân Công ty Cổ phần Quản lý Nam Núi Chúa. Sau gần 4 tháng làm việc, anh bị tại nạn đuối nước. Mặc dù mới đi làm, nhưng anh cũng đỡ đần gia đình nuôi em đi học. Vì đang là công nhân thử việc nên sau khi mất, gia đình anh Thà không nhận được trợ cấp, bảo hiểm xã hội gì cả.
Qua thống kê, năm 2013, tỉnh ta có 19 vụ TNLĐ, làm chết 5 người, 15 người bị thương. TNLĐ để lại hậu quả khôn lường không chỉ cho người bị tai nạn mà còn gánh nặng cho gia đình. Đồng chí Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNLĐ. Về phía NLĐ, ngoài yếu tố thiếu ý thức kỷ luật, chưa được huấn luyện về ATLĐ, họ cũng bất cẩn, không biết tự bảo vệ bản thân. Trong khi đó, không ít DN sử dụng nhà xưởng, công nghệ, thiết bị lạc hậu, không an toàn, không quan tâm đến công tác bảo hộ lao động. Thậm chí, có DN còn tìm mọi cách che đậy thông tin cũng như những hành vi vi phạm dẫn đến TNLĐ.
Theo kết quả kiểm tra năm 2013, tại 57 DN việc thực hiện pháp luật và công tác quản lý bảo hộ lao động ở các DN còn rất nhiều vấn đề quan tâm. Có 21/57 DN chưa đo đạc, kiểm tra môi trường lao động tại nơi làm việc; 24/57 DN không tổ chức tập huấn ATVSLĐ và cấp thẻ an toàn lao động cho NLĐ; 18/57 DN không thực hiện xây dựng nội quy, quy trình vận hành các loại máy, thiết bị, về các biện pháp làm việc bảo đảm ATVSLĐ… Một vấn đề nữa, việc xử lý vi phạm ATVSLĐ hiện nay chủ yếu trông cậy vào đội ngũ thanh tra viên làm nhiệm vụ thanh tra nhà nước về ATVSLĐ nhưng lực lượng này chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu thanh tra, kiểm soát DN.
Để ngăn chặn TNLĐ từ gốc, đồng chí Trần Văn Trưa, cho rằng: NLĐ cần làm đúng quy trình, biết tự bảo vệ bản thân, và kiên quyết đề nghị chủ DN khắc phục những nguy cơ gây ra tai nạn. Về phía DN, ngoài việc quan tâm xây dựng mạng lưới an toàn-vệ sinh viên chuyên nghiệp, huấn luyện nội dung ATVSLĐ cho NLĐ, thiết lập nội quy vận hành an toàn cho từng loại máy móc, thiết bị, chủ DN cần trực tiếp giám sát, tự kiểm tra công tác ATVSLĐ. Các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát ATVSLĐ. Đây phải là công việc thường trực mọi lúc, mọi nơi trong quá trình sản xuất.
Thiết nghĩ, trong khi cả người sử dụng lao động và NLĐ chưa tự giác chấp hành các quy định về ATVSLĐ thì những biện pháp, chế tài đủ mạnh là hết sức cần thiết. Bên cạnh việc nâng mức xử phạt hành chính trong vi phạm lĩnh vực ATVSLĐ, cần có chế tài xử lý nghiêm những chủ lao động chạy theo lợi nhuận mà không có trách nhiệm với tính mạng, sức khỏe của NLĐ. Việc thanh tra, kiểm soát ATVSLĐ trong các DN cũng cần được tăng cường với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.
Bình An - Mỹ Dung