Tập trung nhiều nguồn lực để giảm nghèo:
Trong giai đoạn 2011-2013, công tác xoá đói, giảm nghèo (XĐGN) ở tỉnh ta được triển khai đồng bộ và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo đã được các cấp, ngành quan tâm triển khai, tác động trực tiếp đến đời sống người nghèo, giúp họ phát triển kinh tế, ổn định đời sống, tiến đến xóa nghèo bền vững. Phần lớn các hộ nghèo đã được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cơ bản, như vay vốn tín dụng, chăm sóc sức khỏe, miễn giảm học phí, nhà ở, đào tạo nghề, khuyến nông-lâm-ngư, nước sạch sinh hoạt... Tỉnh ta cũng đã ưu tiên bố trí gần 2.798 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2013 để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã nghèo, xã bãi ngang ven biển… đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt và phát triển sản xuất của nhân dân thuộc các vùng dự án, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân, XĐGN, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Các hộ chính sách xã Bắc Phong làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Thuận Bắc.
Ảnh: Văn Miên
Điển hình như Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh (NHCSXH) đã cho hơn 75.000 hộ nghèo, cận nghèo và cơ sở sản xuất kinh doanh vay vốn sản xuất, với tổng vốn tín dụng là 1.130 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo đầu tư sản xuất kinh doanh, tăng thêm thu nhập, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Hay chính sách nhà ở, thực hiện Quyết định 167/QĐ-TTg xây dựng, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cùng với kêu gọi, huy động sự chung sức của cả cộng đồng, nhất là sự vào cuộc của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tỉnh ta còn dành nguồn ngân sách không nhỏ để hỗ trợ thêm cho các hộ nghèo xây nhà. Với sự cố gắng đó, đến thời điểm này, đã có 3.174 ngôi nhà 167 (giai đoạn 1 bổ sung năm 2012-2013) đã được xây dựng trong năm 2013. Ngoài ra, trong 3 năm qua các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã đóng góp xây dựng trên 1.200 nhà “Đại đoàn kết” để tặng cho hộ nghèo, hộ chính sách…
Cùng với những chính sách cụ thể, các hội, đoàn thể trong tỉnh cũng đã triển khai nhiều mô hình giúp đỡ hội viên vươn lên thoát nghèo. Đển hình như Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”; Hội Nông dân vận động “Quỹ hỗ trợ nông dân” với các hình thức hỗ trợ vốn, cây con giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật canh tác; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giúp đỡ đoàn viên nghèo thông qua các phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Thanh niên sản xuất giỏi”, đưa thanh niên tình nguyện về các xã đặc biệt khó khăn giúp địa phương phát triển sản xuất, giúp hộ thanh niên nghèo, phối hợp mở các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất cho đoàn viên thanh niên; Hội Cựu chiến binh có phong trào “Giúp người bạn chiến đấu làm nhà ở”, “Góp vốn giúp hội viên nghèo”;… Các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã vận động cán bộ, công nhân viên đóng góp vào “Quỹ Vì người nghèo” gần 40 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà ở, hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám và điều trị bệnh cho các hộ nghèo…
Các chương trình, dự án giảm nghèo được thực hiện đã đem lại những hiệu quả đáng khích lệ, đời sống của đa số nhân dân được cải thiện, nhất là nhóm hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Qua 3 năm triển khai, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, (riêng huyện Bác Ái giảm 7%) đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 9,19%, 3 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển thoát khỏi chương trình.
Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh phối hợp với Đoàn Y, Bác sĩ Bệnh viện Y dược
Tp. Hồ Chí Minh khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo.Ảnh: Văn Miên
Tiến đến giảm nghèo bền vững
Để thực hiện có hiệu quả công tác XĐGN, Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2015”; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2552/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Thuận đến năm 2015. Đồng chí Trần Anh Việt, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: Tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình XĐGN; các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương cũng như các hội, đoàn thể trong tỉnh cần triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 25-CT/TU và Quyết định 2552/QĐ-UBND. Hằng năm đưa các mục tiêu, chỉ tiêu XĐGN vào nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch của chính quyền, xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo thực hiện; tăng cường động viên, thuyết phục các hộ nghèo, người nghèo nâng cao ý thức tự vươn lên tìm việc làm để có thu nhập và thoát nghèo bền vững; tiếp tục phát huy sự giúp đỡ từ các tổ chức xã hội và động viên cộng đồng hỗ trợ những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Huy động mọi nguồn lực trong xã hội chăm lo cho người nghèo, gồm các nguồn lực Chương trình mục tiêu giảm nghèo; huy động từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng thông qua đóng góp xây dựng quỹ “Vì người nghèo” và quỹ “An sinh xã hội”. Khuyến khích và có cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện cho hộ thoát nghèo, xã thoát nghèo; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… dạy nghề và tạo việc làm cho người nghèo. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp, nhất là ở cơ sở; tăng cường các hoạt động truyền thông về giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát bảo đảm cho quá trình thực hiện đạt hiệu quả cao.
Xuân Bính