Đến 17 giờ 05 phút chiều ngày 13/3/1954, sau hiệu lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 40 khẩu pháo cỡ nòng 75 đến 120 ly đồng loạt nhả đạn vào các vị trí của quân Pháp trong cứ điểm Him Lam, bộ đội ta xuất kích bắt đầu trận đánh mở màn của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đứng bên phải) trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh
và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về kế hoạch mở chiến dịch Điện
Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Trận đánh cứ điểm Him Lam kéo dài đến 23 giờ 30 phút đêm ngày 13/3/1954 thì kết thúc. Kết quả: Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng cứ điểm Him Lam, diệt 300 tên địch, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị…
7 giờ 30 phút ngày 14/3/1954, quân địch tổ chức lực lượng phản kích hòng chiếm lại Him Lam nhưng bị thất bại và tiếp tục bị thiệt hại nặng, phải từ bỏ hoàn toàn ý định chiếm lại cứ điểm Him Lam. Như vậy trận đánh mở màn đã thành công ngoài mong đợi.
16 giờ 45 phút ngày 14/3/1954, bộ đội nổ súng đánh đồi Độc Lập. Trận đánh kéo dài đến 6 giờ 30 phút sáng ngày 15/5/1954 thì kết thúc, cờ Quyết chiến Quyết thắng bị đạn bắn thủng lỗ chỗ đã được cắm trên đỉnh đồi Độc Lập. Kết quả: Tiểu đoàn Bắc Phi của Pháp bị xoá sổ, 483 trên địch bị tiêu diệt, 200 tên bị bắt…
Cả ngày 15/3/1954, quân Pháp tổ chức phản công tái chiến đồi Độc Lập nhưng đều bị đánh lui và tiếp tục chịu thiệt hại nặng nề.
Cả ngày 16/3/1954, hai bên ra sức củng cố trận địa. Tuy nhiên, tinh thần chiến đấu của bộ đội ta rất cao và bước vào chuẩn bị tiến đánh Bản Kéo. Về phía quân Pháp, tinh thần chiến đấu của đã bắt đầu hoang mang, rất nhiều nguỵ quân người dân tộc Thái đã ra hàng…
Sáng ngày 17/3/1954, thấy quân ta chuẩn bị tấn công, quân Pháp ở Bản Kéo sợ hãi bỏ chạy. Trung đoàn 36 của ta không cần phải nổ súng đã chiếm được Bản Kéo và thừa thắng tiến vào chiếm các ngọn đồi ở phía Bắc sân bay Mường Thanh.
Cũng trong ngày 17/3/1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch tổ chức hội nghị sơ kết đợt 1 tại Sở Chỉ huy Mường Phăng. Hội nghị kết luận: thành công của đợt 1 đã chứng tỏ ta tìm được cách đánh đúng, nên mặc dù kẻ địch hết sức đề phòng vẫn không tránh khỏi bị tiêu diệt. Đợt 1 của Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra từ ngày 13 đến 17/3/1954. Chỉ sau 5 ngày chiến đấu, với việc bộ đội triệt hạ cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập, Bản Kéo đã mở toang cánh cửa phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tại hội nghị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh: "Hai trận chiến đấu vừa qua là hai trận đầu của một chiến dịch lịch sử, là hai trận đầu đánh vào một tập đoàn cứ điểm của địch, là hai trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay, là hai trận đánh theo lối chính quy. Đánh thắng hai trận đó, chúng ta đã thu được thắng lợi lớn, quân địch đã bị thất bại nặng, nhưng lực lượng của chúng còn mạnh và chúng còn ra sức đối phó. Chúng ta cần phải có một nhận thức đúng đối với tương quan lực lượng giữa địch và ta, giữ vững quyết tâm trong những cuộc chiến đấu gay go sắp tới".
Về sau này, chính Pierre Langlais – một viên tướng của Pháp đã phải công nhận những chiến thắng này là "do đối phương dũng cảm, có ý chí và quyết tâm cao..., áp dụng một chiến thuật hoàn hảo, chính xác".
Cờ Quyết chiến Quyết thắng của bộ đội ta tung bay trên cứ điểm Him Lam
(Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Để khích lệ tinh thần chiến đấu của bộ đội, ngày 15/3/1954, ngay sau khi quân ta tiêu diệt cứ điểm Him Lam và đồi Độc Lập, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đã có điện văn gửi tới toàn thể cán bộ và chiến sỹ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Toàn văn bức điện như sau: "Trung ương và Bác được báo cáo về hai trận thắng đầu tiên của quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Trung ương và Bác có lời khen ngợi các đồng chí. Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, quyết giành toàn thắng cho chiến dịch này".
Ngày 18/3/1954, Ban Bí thư đã kịp thời có Chỉ thị về việc mở rộng tuyên truyền những chiến thắng của quân ta ở Điện Biên Phủ. Toàn văn Chỉ thị như sau: "Sau gần bốn tháng bao vây chặt tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ, ngày 13/3/1954, quân ta bắt đầu tấn công và đến nay đã tiêu diệt hoàn toàn hai vị trí ở vòng ngoài Điện Biên Phủ là Him Lam và Độc Lập. Đồng thời chỉ trong một tuần, trọng pháo và cao xạ ta đã phá huỷ và bắn rơi gần 40 máy bay địch. Ngày 17/3, trước sức tấn công của quân ta, một tiểu đoàn nguỵ binh Thái kéo cờ trắng ra hàng.
Hiện nay, quân ta đang tiếp tục tiêu diệt sinh lực địch ở Điện Biên Phủ ở các chiến trường khác, bộ đội và du kích ta cũng hoạt động mạnh và thu nhiều thắng lợi.
Để nhân đà chiến thắng quân sự này mà đẩy mạnh các công tác khác, các địa phương cần tuyên truyền nhanh chóng và rộng rãi trong toàn quân và toàn dân ta về những chiến thắng của quân ta ở Điện Biên Phủ.
Trong khi tuyên truyền cần chú ý những điểm dưới đây:
1.Ý nghĩa chiến thắng này: đây là trận đầu tiên ta đánh một tập đoàn cứ điểm mạnh của địch; ngoài bộ binh, có các binh chủng khác như trọng pháo và cao xạ phối hợp với một quy mô lớn. Trận này đánh mạnh vào kế hoạch quân sự Na va, tức là đánh mạnh vào kế hoạch tiếp tục chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp - Mỹ (chú ý phổ biến bài Xã luận báo Nhân Dân số 172 ngày 16/3/1954, nói về ý nghĩa những trận thắng đầu tiên của ta ở Điện Biên Phủ).
2. Mục đích tuyên truyền: lấy những chiến thắng của quân ta ở Điện Biên Phủ động viên mọi người phấn khởi thi đua đẩy mạnh các công tác, như phát triển chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch, chống địch bắt lính để phối hợp với chiến trường chính và phục vụ tiền tuyến, để phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất và ra sức tăng gia sản xuất ở đồng ruộng, cũng như nhà máy, tích cực cải tiến công tác ở các cơ quan..v v..
Đồng thời lấy những chiến thắng ở Điện Biên Phủ khuyến khích binh sĩ và dân công ở các mặt trận phấn khởi thi đua giết giặc, lập công lớn hơn nữa.
3. Khi tuyên truyền phải chú ý giữ bí mật quân sự: chiến sự phát triển đến đâu ta tuyên truyền đến đấy, tuyệt đối không nên để Iộ ý định quân sự của ta.
4. Đồng thời nhắc cho toàn quân và toàn dân ta nhớ rằng địch tuy bị thất bại lớn nhưng chúng sẽ ra sức chống lại. Đặc biệt là bọn đế quốc Mỹ sẽ can thiệp hơn nữa vào chiến tranh xâm lược Việt - Miên - Lào hòng cứu nguy cho thực dân Pháp và mở rộng chiến tranh Đông Dương.Vì vậy chúng ta phải luôn luôn cố gắng, không được chủ quan khinh địch.
5. Đặc biệt trong việc tuyên truyền ra ngoài, không những cần nêu cao những chiến thắng ở Điện Biên Phủ và ở các mặt trận khác của ta, mà còn nhấn mạnh vào một điểm là: nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Miên - Lào, rất tha thiết với hoà bình, nhưng nếu bọn xâm lược cứ tiếp tục chiến tranh thì chúng còn gặp nhiều thất bại lớn hơn nữa và nhất định sẽ bị tiêu diệt (Đài phát thanh và các cơ quan tuyên truyền quốc tế của ta cần chú ý điểm này) .
Các cấp uỷ và Ban Tuyên huấn các cấp Việt Nam Thông tấn xã và các báo chí cần có kế hoạch mở rộng việc tuyên truyền những chiến thắng ở Điện biên Phủ theo đúng Chỉ thị này."
–––––––––––––––––––-
Nguồn tham khảo:
- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập (Tập 15). Nxb Chính trị Quốc gia, 2001;
- "Điện Biên Phủ - Văn kiện Đảng, Nhà nước". Nxb Chính trị Quốc gia, 2004;
- "Điện Biên Phủ - tuyển tập hồi ký (trong nước)" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nxb Chính trị Quốc gia, 2004.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam