Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014)

Điện Biên 60 năm sau ngày giải phóng

60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, nhân dân các dân tộc Điện Biên luôn một lòng, một dạ trung thành đối với Đảng, phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, chuyên cần trong lao động sản xuất, dũng cảm trong chiến đấu, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực.

 1. Trên lĩnh vực kinh tế

Sau hòa bình lập lại (năm 1954), Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp độc canh, tự cấp, tự túc, du canh, du cư, nên trong một thời gian dài, đói nghèo đã đè nặng lên cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Trước thực tế đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã quyết tâm lãnh đạo nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế Điện Biên đã phát triển và đạt được những kết quả quan trọng, nhất là từ khi tỉnh tiến hành công cuộc đổi mới (năm 1986) và trong những năm gần đây, nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 - 2013 đạt 9,64% (Năm 2011 tăng 10,09%; năm 2012 tăng 9,12%; năm 2013 tăng 8,55%). GDP bình quân đầu người tăng qua các năm (Năm 2011 đạt 694,4 USD; năm 2012 đạt 812,4 USD; năm 2013 đạt 918,3 USD). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng xác định, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng nông nghiệp (Năm 2012: khu vực nông - lâm nghiệp chiếm 32,61%; công nghiệp - xây dựng chiếm 30,14%; dịch vụ 37,25%. Năm 2013: khu vực nông - lâm nghiệp chiếm 31,78%; công nghiệp - xây dựng chiếm 30,58%; dịch vụ 37,64%). 125/130 xã có đường ô tô đến được trung tâm; 126/130 xã có điện lưới quốc gia... Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và có mặt được nâng cao hơn.

Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay.

2. Sự nghiệp văn hóa, xã hội

Sau giải phóng, 100% nhân dân các dân tộc Điện Biên bị mù chữ. Đến nay tỉnh đã được Nhà nước công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ; toàn tỉnh có 123/130 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 70/130 xã, phường đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2; cả tỉnh có 159 trường đạt chuẩn quốc gia. 100% số xã, phường có trạm y tế; 14,6% số trạm y tế xã đạt bộ tiêu chí quốc gia y tế xã theo chuẩn mới, trong đó có 24,6% số trạm y tế có bác sỹ, tỷ lệ bác sỹ /vạn dân là 8,44. 100% nhân dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu và bảo đảm không để bệnh dịch lớn xảy ra. Các mục tiêu bảo vệ và chăm sóc trẻ em được triển khai đồng bộ và đạt kết quả cao; 88% số dân ở đô thị được sử dụng nước sạch, 72,6% số dân ở nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ dân có máy thu hình và được xem truyền hình đạt 72%; 100% số hộ nghe được Đài tiếng nói Việt Nam, tỷ lệ phủ sóng phát thanh địa phương đạt 82%.

 3. Công tác quốc phòng - an ninh, đối ngoại

Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và hoạt động đối ngoại. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới". Công tác quân sự, quốc phòng, an ninh đạt kết quả tích cực, tiềm lực được tăng cường; thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện được củng cố.

Kịp thời điều chỉnh, bổ sung các phương án phù hợp với thế trận khu vực phòng thủ và đối tượng tác chiến. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng; xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ của tỉnh; triển khai Đề án tổ chức xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ của tỉnh giai đoạn 2012 - 2015; phối hợp tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2011.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, triển khai thực hiện các chương trình, dự án. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Tăng cường cán bộ, chiến sỹ xuống cơ sở, chủ động phối hợp nắm tình hình an ninh biên giới, nội địa, nội bộ, tập trung giải quyết kịp thời vụ tập trung đông người trái pháp luật ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé đảm bảo an toàn, đúng luật. Tình hình tội phạm, tai nạn, tệ nạn xã hội từng bước được kiềm chế và đẩy lùi. Trật tự an toàn xã hội cơ bản đảm bảo và quản lý Nhà nước về trật tự xã hội được tăng cường.

Quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tỉnh Bắc Lào được tăng cường; đã tổ chức thành công hội đàm thường niên với ba tỉnh Bắc Lào. Đẩy mạnh tuyên tuyền và tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm năm đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào. Công tác tăng dầy, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào đã hoàn thành. Tăng cường quan hệ hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế. Đã thu hút nguồn viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ khoảng 8,6 triệu USD đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

4. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị

Luôn luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc đặc biệt quan tâm, chăm lo, xây dựng. Trải qua hơn một nửa thế kỷ nỗ lực phấn đấu, xây dựng, đến nay Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể nhân dân, đội ngũ cán bộ các dân tộc từ tỉnh đến cơ sở đã có sự lớn mạnh, trưởng thành to lớn cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo đủ sức lãnh đạo nhân dân các dân tộc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng mới.

Tóm lại : Trong những năm qua trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, song cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã nỗ lực phấn đấu và bước đầu đạt được những kết quả tích cực : Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo định hướng; các ngành sản xuất chủ yếu phát triển ổn định. Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội tiếp tục được đầu tư. Văn hóa- xã hội chuyển biến tích cực. Các vấn đề xã hội bức xúc được chỉ đạo triển khai có kết quả, nhất là chương trình xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Đời sống của nhân dân được nâng lên. Chính trị ổn định, quốc phòng- an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng; khối đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm được chú trọng và có chuyển biến tiến bộ. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả quan trọng trên một số nội dung.

Với những kết quả đạt được trong 60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc Điện Biên - Lai Châu đã vinh dự, tự hào được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng và các danh hiệu cao quý như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Độc lập hạng nhất và hạng nhì, Huân chương Hồ Chí Minh; nhiều Huân chương lao động các loại. Nhân dân và các Lực lượng vũ trang tỉnh Điện Biên; 18 tập thể, 19 cá nhân đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang; 02 tập thể, 03 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động; hàng trăm tập thể, hàng ngàn cá nhân được Đảng, Chính phủ tặng thưởng huân, huy chương các loại.

Để xứng đáng với tầm vóc và ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ và với những bài học thực tiễn trong quá trình 60 năm xây dựng và trưởng thành sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc Tây Bắc và nhân dân Điện Biên nguyện đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Trong thời gian trước mắt, Đảng bộ tập trung lãnh đạo quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương và của tỉnh. Tích cực triển khai, phổ biến, tuyên truyền và thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân, tôn trọng, chấp hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguồn: baodienbienphu.com.vn