Đối với tỉnh ta, từ sau ngày công bố dịch tại thôn Như Bình (xã Phước Thái, huyện Ninh Phước) đến thời điểm hiện tại đã qua hơn 18 ngày nhưng không phát sinh ổ dịch mới ngay cả các địa phương lân cận. Tại huyện Ninh Sơn, nơi phát sinh một số ổ dịch tại xã Lương Sơn và thị trấn Tân Sơn trong tháng 2 vừa qua, tuy tỉnh không công bố dịch nhưng ngành chức năng cùng địa phương và các hộ nuôi gia cầm bị dịch đã chủ động, quyết liệt tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại trong khu vực đồng thời khuyến cáo người nuôi và nhân dân cảnh giác với dịch cúm...
Phun thuốc khử trùng, vệ sinh chuồng trại phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.
Nhờ đó, đến nay cũng chưa có phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm là có thể bất cứ lúc nào. Theo tìm hiểu của chúng tôi người dân còn rất thụ động trong việc phòng cúm gia cầm nhất là trong khâu tiếp xúc với gia cầm sống tại chợ, trong khu dân cư cũng như thường xuyên vệ sinh khu chăn nuôi...
Đối với người nuôi gia cầm không chỉ có đơn thuần là phòng hay chống dịch mà quan trọng hơn đó là tiêu thụ sản phẩm vốn được xem là nguồn thu nhập khá ngoài các nông sản khác. Có thể nói, trong thời gian diễn ra dịch cúm thông qua công tác tuyên truyền của thông tin đại chúng làm cho một bộ phận người tiêu dùng nhất là ở đô thị tỏ ra e dè với gia cầm, thậm chí có người còn “tuyên bố” tẩy chay với gia cầm (chủ yếu là gà, vịt) vốn là món ăn khoái khẩu của rất nhiều người. Thực ra, việc thông tin tuyên truyền công khai vùng dịch là nhằm để người dân cảnh giác với gia cầm bị nhiễm bệnh, không để tác hại đến sức khỏe của con người. Đối với các vùng khác bảo đảm gia cầm sạch thì người dân hoàn toàn có thể sử dụng. Trước thực tế đó, để tránh thiệt hại cho người chăn nuôi, yêu cầu đặt ra là ngành chức năng và các địa phương cần có định hướng cho người tiêu dùng là phân biệt gia cầm sạch và các sản phẩm gia cầm đã qua kiểm định thú y, có nguồn gốc rõ ràng... với gia cầm mang bệnh, không rõ nguồn gốc để mạnh dạn sử dụng, tạo “đầu ra” bình thường như trước thời điểm xảy ra dịch. Mặt khác, ngành thú y cần tiếp tục tiến hành khuyến cáo, phối hợp với địa phương, đơn vị vệ sinh thường xuyên tại các chợ bán gia cầm sống và sản phẩm gia cầm, kiểm tra chặt chẽ gia cầm lưu thông trên thị trường, tạo điều kiện cho người bán gia cầm tập trung tại các địa điểm chợ để quản lý, đồng thời xác lập lại niềm tin cho người tiêu dùng. Như có nông hộ chăn nuôi đã nói: Không ngại gia cầm chết vì dịch mà ngại nhất là “chết” niềm tin từ người tiêu dùng!. Bởi lẽ đây cũng có nghĩa là sẽ “tắt” đầu ra dẫn đến thua lỗ như nhiều mặt hàng nông sản khác.
Tuấn Dũng