Chủ động phòng ngừa và dập dịch có hiệu quả cúm gia cầm

(NTO) Theo số liệu thống kê của Chi cục Thú y, toàn tỉnh có trên 826.250 con gia cầm. Trong đó, nhiều nhất là huyện Ninh Phước với trên 264.800 con.

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia cầm, thời gian qua, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo và triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra một số ổ dịch làm hàng ngàn con gà, vịt bị chết. Cụ thể, tại huyện Ninh Sơn từ ngày 31-1 đến 27-2, tại gia đình 4 hộ: Lê Quang Sơn ở khu phố 8, Dương Thị Kim Tuất ở khu phố 6 (thị trấn Tân Sơn) và Mai Thị Mão ở thôn Trà Giang 3, Vương Thị Phong, thôn Trà Giang 4 (xã Lương Sơn) gà nuôi liên tục bị chết, với số lượng lên đến trên 750 con. Trước tình trạng gà chết hàng loạt, từ ngày 7-2 đến ngày 1-3-2014, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương cùng 4 hộ nuôi đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số gia cầm còn lại với số lượng trên 3.000 con.

 
Cán bộ Thú y xã Phước Thái (Ninh Phước) tiêm phòng vac–xin trên đàn gà cho hộ anh Đổng Nhị Hổ ở thôn Hoài Trung.

Tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, từ ngày 17-2 đến 2-3 tại 3 hộ nuôi là Thiên Thái Bình, Quảng Đại Xoan và Quảng Thị Đông ở thôn Như Bình đã có đến trên 90 con gà bị chết. Qua kiểm định, đàn gà tại các hộ gia đình nói trên dương tính với cúm A/H5N1, nên tiến hành tiêu hủy toàn bộ 824 con gà còn lại. Ngày 4-3, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công bố dịch bệnh cúm gia cầm H5N1 tại thôn Như Bình, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước kể từ ngày 28-2-2014.

Đồng chí Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Ngay sau khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, đơn vị đã chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở phối hợp chính quyền các địa phương triển khai ngay việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đối với tất cả các chuồng trại chăn nuôi, đồng thời tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ đàn vịt chạy đồng, các cơ sở ấp nở gia cầm, cơ sở giết mổ, buôn bán gia cầm ở chợ..., nhằm phát hiện nhanh các trường hợp gà, vịt chết nghi do cúm gia cầm để xử lý. Riêng địa bàn thôn Như Bình, hiện địa phương đã khoanh vùng, cắm biển báo vùng có dịch, đồng thời tập trung phun thuốc tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại, nơi chôn lấp gia cầm với tần suất phun xịt 1 lần/tuần và tại ổ bệnh phun xịt 3 lần/tuần để tiêu diệt mầm bệnh.

Mặc dù đến thời điểm này chưa phát hiện thêm ổ dịch mới nào xảy ra, nhưng để tiếp tục phòng ngừa và dập dịch hiệu quả, ngoài việc tăng cường giám sát, kiểm tra dịch bệnh trên đàn gia cầm tại các hộ chăn nuôi, Chi cục Thú y và các địa phương còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện “5 không”, đó là: Không nuôi gia cầm thả rông; không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; không mua bán gia cầm mắc bệnh; không giấu dịch và không vứt xác gia cầm bừa bãi ra môi trường. Ngoài các hoạt động trên, tỉnh ta còn chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, hóa chất, phương tiện và chỉ đạo các xã, thị trấn trong vùng bị dịch uy hiếp thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo quy định.

Được biết, ngay sau khi công bố dịch, Công ty Cổ phần thuốc Thú y Trung ương I (VINAVECO) đã hỗ trợ cho tỉnh ta 500.000 liều vắc-xin cúm gia cầm H5N1 Re-6 để triển khai tiêm khẩn cấp cho đàn gia cầm còn lại. Theo đó, từ ngày 12-3 đến 12-4, tỉnh ta tập trung tiêm phòng triệt để cho toàn bộ đàn gia cầm của hai huyện Ninh Sơn, Ninh Phước và các xã, phường vùng giáp ranh thuộc địa bàn các huyện Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Hải, Bác Ái và Tp.Phan Rang – Tháp Chàm. Cùng với công tác tiêm phòng vắc-xin, hiện nay tỉnh ta còn thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và các trạm, chốt kiểm dịch trên những tuyến giao thông chính như QL 1A, QL 27 để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển.