Rèn luyện kỹ năng mở bài và trích dẫn chứng cho bài văn nghị luận

(NTO) Xét từ bản chất, văn nghị luận là bàn luận, đánh giá cho rõ một vấn đề nào đó nhằm hình thành và phát triển tư duy lí luận với khả năng lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục. Mục đích cuối cùng là dùng lí lẽ và dẫn chứng để làm sáng tỏ một vấn đề đưa ra bàn bạc nhằm thuyết phục người đọc, người nghe.

Do vậy để viết được một bài văn nghị luận hay, người viết cần rất nhiều kỹ năng. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu hai kỹ năng quan trọng để làm văn nghị luận. Đó là kỹ năng mở bài và kỹ năng trích dẫn chứng. (Những kỹ năng khác sẽ được giới thiệu sau).

1. Kỹ năng mở bài

Chúng ta thường nghe câu: “Văn hay không kể văn dài/ chỉ mở đầu bài là biết văn hay” đã nói lên tầm quan trọng của phần mở bài đối với một bài văn. Tất nhiên một bài văn hay cần nhiều kỹ năng song mở bài là một kỹ năng quan trọng cho thấy người viết đã xác định đúng và trúng vấn đề, tạo tâm thế cho người đọc tiếp nhận bài viết. Mục đích của phần mở bài là giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề nghị luận. Đó cũng là hai bước không thể thiếu ở phần mở bài.

Giới thiệu vấn đề nghị luận có hai cách hoặc giới thiệu trực tiếp hoặc giới thiệu gián tiếp.

Giới thiệu trực tiếp là đi thẳng vào vấn đề nghị luận đặt ra trong đề bài, đi từ cái chung đến cái riêng, từ khái quát đến cụ thể. Ví dụ đề bài: Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Phần mở bài giới thiệu trực tiếp vấn đề nghị luận thường đi từ giới thiệu vài nét về nhà văn Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ rồi dẫn dắt vào nhân vật Mị. Lưu ý khi giới thiệu vài nét về tác giả nên tập trung vào phong cách nghệ thuật, đặc trưng riêng, nét độc đáo khác biệt hơn là giới thiệu một cách máy móc về năm sinh, năm mất, tên thật, quê quán, năm mấy tuổi làm gì…Giới thiệu vài nét về tác phẩm nên tập trung vào xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác, vị trí của tác phẩm trong sự nghiệp của tác giả và trên văn đàn văn học của dân tộc.

Giới thiệu gián tiếp là cách người viết đi từ vấn đề khác có liên quan để bắt cầu giới thiệu vấn đề nghị luận. Ví dụ đề bài: ‘‘Chỉ có trái tim yêu thương mới gieo mầm hạnh phúc” (Đặng Thùy Trâm). Suy nghĩ của anh/chị về câu nói trên. Để dẫn dắt vào câu nói của Đặng Thùy Trâm, người viết có thể giới thiệu gián tiếp từ lối sống, cách ứng xử giữa người với người, sự tương phản giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần trong xã hội hiện nay để dẫn dắt, khẳng định khái quát giá trị quan niệm sống của Đặng Thùy Trâm. Khi làm đề bài này, Lê Đình Đông Tùng – học sinh lớp 12 Toán 1 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, năm học 2013-2014 – đã mở bài như sau:

Tôi hỏi đất: Đất sống với nhau như thế nào?

Chúng tôi tôn cao nhau.

Tôi hỏi nước: Nước sống với nhau như thế nào?

Chúng tôi làm đầy nhau.

Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với nhau như thế nào?

Chúng tôi đan vào nhau tạo thành những chân trời.

Tôi hỏi người: Người sống với nhau như thế nào?

Tôi hỏi người: Người sống với nhau như thế nào?

Tôi hỏi người: Người sống với nhau như thế nào?”(Hỏi – Hữu Thỉnh)

Qua sự lặp lại ba câu thơ cuối ở bài thơ Hỏi, Hữu Thỉnh đã nhấn mạnh, đề cao về lối sống, cách ứng xử giữa người với người. Xã hội ngày càng đi lên, con người ngày càng tiến bộ. Nhưng con người cũng ngày càng bon chen, xô đẩy giữa dòng đời, giá trị vật chất ngày càng được coi trọng mà lãng quên đi luân thường đạo lí, tình yêu thương. Thế nhưng với quan niệm sống của Đặng Thùy Trâm, sống là yêu thương, là cho đi, sống vì người khác. Quan niệm sống ấy đã được cô gửi gắm qua câu: “Chỉ có trái tim yêu thương mới gieo mầm hạnh phúc”. Đây là cách mở bài gián tiếp, tạo được ấn tượng mạnh cho người đọc, cho thấy người viết có vốn hiểu biết phong phú, nắm chắc, trúng vấn đề nghị luận.

Mở bài gián tiếp tạo cho bài viết có chất văn chương, sáng tạo hơn. Tuy nhiên, cách mở bài gián tiếp rất dễ lan man, dài dòng, sa đà vào vấn đề khác dẫn đến xa đề hoặc lạc đề. Do vậy cần đọc thật kĩ đề bài, gạch chân những từ ngữ quan trọng để xác định cho trúng vấn đề nghị luận. Thời gian cho phần mở bài nên dành 1/10 tổng thời gian của toàn bài, tránh mất nhiều thời gian không kịp viết những phần khác.

Tóm lại, là một phần nhỏ nhưng không thể thiếu trong bài làm văn nghị luận, viết tốt phần mở bài sẽ tạo tâm thế hứng khởi, thiện cảm cho giám khảo, là nguồn cảm hứng để hoàn thành tốt những phần còn lại của bài viết ở thí sinh.

2. Kỹ năng trích dẫn chứng

Mục đích của văn nghị luận là tác động, thuyết phục người đọc, người nghe. Để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận thì cần đến lí lẽ và dẫn chứng. Nếu như lí lẽ là những giải thích, cắt nghĩa để hiểu vấn đề thì dẫn chứng là đưa ra chứng cứ để chứng minh cho vấn đề. Một bài văn nghị luận mà không hoặc thiếu dẫn chứng thì sẽ không hoặc thiếu sức thuyết phục, người đọc sẽ không tin vào lí lẽ suông vì thiếu minh chứng. Để bài viết có những dẫn chứng tốt thì yêu cầu quan trọng của việc trích dẫn chứng phải: chính xác, đủ, tiêu biểu và có tính mới.

Yêu cầu thứ nhất là dẫn chứng phải chính xác. Bài viết không có dẫn chứng thì không có sức thuyết phục, dẫn chứng không chính xác thì cũng chẳng có tác dụng gì. Nếu là thơ phải trích nguyên văn, nếu là văn xuôi thì tóm lược ý song phải đảm bảo tính chính xác của dẫn chứng bằng việc trích dẫn tên tác phẩm, tác giả... Không ít bài viết trích dẫn chứng không chính xác, chẳng hạn như: Nắng xuống, trời lên xanh bát ngát (Đúng phải là Nắng xuống, trời lên sâu chót vót)/ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu. (Tràng giang – Huy Cận); Mị có người yêu là A Phủ, A Sử giả làm người yêu của Mị để bắt cóc Mị (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)... Do đó cần phải đọc thật kĩ văn bản tác phẩm, đối với thơ phải học thuộc lòng, với văn xuôi phải tóm tắt chi tiết cốt truyện. Dẫn chứng đúng không chỉ là trích đúng như văn bản tác phẩm mà còn phải hiểu, cảm thụ đúng giá trị nội dung và nghệ thuật của dẫn chứng. Do không hiểu đúng dẫn chứng nên trong quá trình phân tích đã suy diễn tùy tiện. Ví dụ phân tích câu thơ Chày đêm nện cối đều đều suối xa (Việt Bắc – Tố Hữu) có em viết: Người Việt Bắc trước khi ngủ nhà nào cũng chày đêm nện cối đều đều vang vọng đến suối xa trong khi sách giáo khoa đã chú thích đó là nhịp chày của cối giã gạo đặt bên suối, hoạt động bằng sức nước.

Yêu cầu thứ hai là dẫn chứng phải đủ. Đủ trong phạm vi yêu cầu của đề về tư liệu. Có thể gọi đó là dẫn chứng bắt buộc. Chẳng hạn đề bài: Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng thì phạm vi tư liệu mà người viết phải trích dẫn là bài thơ Tây Tiến; làm rõ luận điểm Mị là người con hiếu thảo (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài), người viết không thể không trích những dẫn chứng sau: Mị nói với bố sẽ làm nương trả nợ thay bố, đừng bán con cho nhà giàu/ Vì thương cha, Mị bỏ ý định tự tử, cam chịu làm con dâu nhà Thống lí. Bên cạnh việc người viết phải trích dẫn đủ dẫn chứng bắt buộc, bài viết cần phải có những dẫn chứng khác để liên hệ, so sánh, đối chiếu, mở rộng thêm ý được bàn bạc. Ví dụ đề bài Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng thì bài thơ Tây Tiến là dẫn chứng bắt buộc, ngoài ra người viết cần phải lấy dẫn chứng mở rộng khác như bài Đồng chí, Ngày về của Chính Hữu; Đất nước của Nguyễn Đình Thi... Lưu ý khi lấy dẫn chứng mở rộng có nghĩa đã khai thác hết dẫn chứng bắt buộc tránh trường hợp ngược lại. Đồng thời khi trích dẫn hai loại dẫn chứng này phải đặt trong mối quan hệ bổ sung cho nhau, soi sáng vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau, tránh trường hợp so sánh tuyệt đối hóa dẫn đến cực đoan.

Yêu cầu thứ ba là dẫn chứng phải tiêu biểu, xác đáng và có tính mới. Điều này là không dễ vì yêu cầu người viết không chỉ có vốn dẫn chứng phong phú mà còn phải lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu, xác đáng và có tính mới để phục vụ cho bài viết. Ví dụ đề bài: ‘‘Chỉ có trái tim yêu thương mới gieo mầm hạnh phúc” (Đặng Thùy Trâm). Suy nghĩ của anh/chị về câu nói trên. Một học sinh lấy dẫn chứng: Ở một quán cà phê nọ, có những người lạ đến không mua cà phê mà họ đã bỏ ra 900 đô la để trả tiền cho những người đến sau. Thoạt tiên những người được nhận cà phê miễn phí rất bất ngờ nhưng sau đó họ rất vui vẻ và cũng rất hạnh phúc. Động lực nào đã khiến người lạ nọ làm như vậy. Đó chính là trái tim yêu thương. Đây là dẫn chứng chưa tiêu biểu và xác đáng.

Học sinh thường lấy những dẫn chứng quen thuộc, được nhiều người biết đến để làm sáng tỏ cho vấn đề nghị luận. Điều đó là đúng song chưa có tính mới. Để có những dẫn chứng mới, đòi hỏi người viết phải có vốn hiểu biết sâu rộng, thông tin thời sự về văn học, đời sống xã hội... Chẳng hạn để làm sáng tỏ vấn đề nghị lực của con người vượt qua hoàn cảnh khó khăn, học sinh hay lấy dẫn chứng về tấm gương của Mạc Đĩnh Chi, thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí...Những dẫn chứng đó là đúng, nhưng nếu người viết chọn dẫn chứng về tấm gương vượt khó của Nic Vujicic – chàng trai người Australia, bị hội chứng tetra-amelia bẩm sinh, từ khi chào đời đã không có tay chân, vượt lên số phận trở thành diễn giả nổi tiếng thế giới – thì dẫn chứng này sẽ có tính mới hơn rất nhiều.

Khi lấy dẫn chứng cần chú ý đến tính hệ thống. Nghĩa là các dẫn chứng được trích dẫn thường được sắp xếp trên trục thời gian tuyến tính (dẫn chứng ra đời trước trích trước và ngược lại) và không gian từ hẹp đến rộng, từ gần đến xa... (ví dụ lấy dẫn chứng trong nước rồi đến dẫn chứng nước ngoài).

Cuối cùng là chú ý tỉ lệ trích dẫn chứng với phân tích dẫn chứng. Trích dẫn chứng luôn đi liền với việc phân tích dẫn chứng. Một bài viết quá thiên về lí lẽ sẽ trở nên khô khan nhưng nếu chỉ trích dẫn chứng không thôi thỉ sẽ trở nên hời hợt, sáo rỗng, không sâu sắc.