Nhìn lại bức tranh sản xuất nông nghiệp năm 2013 cho thấy có khá nhiều mảng màu sáng để tạo nên GTSX tăng thêm 5,6%, trong đó trồng trọt tăng 6,7% và chăn nuôi tăng 2,9%. Ghi nhận đầu tiên là về lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt trên 81.800 ha, vượt 2,6% so với kế hoạch; trong đó, nhóm cây lương thực tăng 2,8%, cây lấy củ có bột tăng 4,7%. Đáng nói là tuy diện tích tăng không cao nhưng nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, mô hình sản xuất mới... nên năng suất và sản lượng nhiều loại cây trồng tăng đáng kể như lúa tăng 4%; bắp tăng 12,7%; mía cây tăng 17,2%; nho tăng 7,5%...
Mô hình “liên kết 4 nhà” để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế...
cây trồng ngày càng phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Trong ảnh: Thu hoạch lúa giống theo mô hình nói trên tại Phước Hậu, Ninh PhướcẢnh: Văn Miên
Lĩnh vực chăn nuôi cũng có nhiều chuyển biến đáng kể. Mặc dù trong năm có xuất hiện dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nhưng ngành đã kịp thời khoanh vùng dập dịch, tiêu độc khử trùng, không để xảy ra trên diện rộng và luôn được kiểm soát chặt chẽ. Đàn dê, cừu trong năm tăng 6,5%; đàn heo tăng 23,2%, vượt 18,7% kế hoạch; tổng đàn gia cầm tăng 22,3%.
Trong năm ngành tiếp tục triển khai các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp tạo cơ sở cho sự phát triển như Dự án cạnh tranh nông nghiệp tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả cao: Quy trình sản xuất tỏi an toàn sinh học; chuyển giao mô hình sản xuất táo theo tiêu chuẩn VietGap; xây dựng và chuyển giao mô hình thâm canh rau Măng tây xanh đạt năng suất cao theo tiêu chuẩn VietGap; sử dụng chế phẩm EMINA để hạn chế bệnh hại, kết hợp tăng cường dinh dưỡng bằng phân bón lá RQ cho cây hành tỏi; chuyển giao công nghệ sản xuất tảng liếm dùng cho chăn nuôi dê, cừu...
Để đạt được những kết quả đáng ghi nhận như đã nêu trên, có thể nói lãnh đạo ngành đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trong ngành, đồng thời phối hợp với các địa phương chỉ đạo sản xuất về lịch thời vụ, cơ cấu giống gieo trồng, điều tiết nước phục vụ sản xuất, đảm bảo nước sinh hoạt dân sinh, chăn nuôi; chủ động xây dựng các giải pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm... trên địa bàn tỉnh và tổ chức triển khai đến từng địa phương và các đơn vị trong ngành thực hiện. Công tác phòng trừ dịch hại trên cây trồng được chú trọng đúng mức như phối hợp với các công ty thuốc BVTV tổ chức 100 cuộc tọa đàm cho hơn 5.000 nông dân và kỹ thuật; phối hợp với mạng lưới cộng tác viên bảo vệ thực vật cơ sở thường xuyên theo dõi, điều tra nắm chắc tình hình dịch hại; tổ chức và phối hợp tập huấn 21 lớp cho nông dân về phòng trừ các đối tượng dịch hại các loại cây trồng và 54 lớp tập huấn về quy trình “1 phải, 5 giảm trên cây lúa”... Do đó đã tổ chức phòng trừ kịp thời cho 3.960,5 ha lúa, 160,5 ha bắp, 992 ha nho, 660 ha táo và 165 ha rau đậu các loại. Kiểm dịch thực vật cho 10.940 tấn giống nông sản cho các cơ sở sản xuất giống cây trồng…
Phát triển chăn nuôi cừu. Ảnh: Minh Quốc
Mặt khác, ngành đã chỉ đạo tổ chức tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc như thông qua các chương trình hỗ trợ đã tiêm phòng được 58.325 con trâu bò với vắc-xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng; 32.990 con heo với vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn và lở mồm long móng; 51.785 con dê, cừu với vắc xin tụ huyết trùng; Phối hợp với các địa phương sử dụng 10.798 lít hoá chất để phun xịt tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi nhằm tiêu diệt mầm bệnh, giảm thiểu khả năng mắc bệnh cho gia súc, gia cầm.
Có thể nói, bằng nổ lực của toàn ngành và nông hộ trong tỉnh đã tạo nên bộ mặt mới cho nông nghiệp tỉnh nhà, đó là cơ cấu sản phẩm trong nông nghiệp có sự chuyển biến theo hướng gia tăng giá trị cây ăn qủa, cây công nghiệp với các sản phẩm chủ yếu là nho, táo, mít, mía cây và các con nuôi có lợi thế cạnh tranh như dê, cừu có xu hướng tăng đàn, tăng giá trị, đang được đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Chất lượng đàn bò, dê cừu tiếp tục được cải thiện đạt tỷ lệ Sind hóa là 38%, nạc hóa đàn heo là 70%... Những kết quả trên còn là cơ sở để ngành nông nghiệp tiếp tục đặt ra mục tiêu phát triển ổn định cho năm 2014 với chỉ số tăng trưởng GTSX đạt từ 5-6% như đã nêu trên. Đặc biệt, nắm chắc dự báo về những thuận lợi cũng như khó khăn và yêu cầu phát triển, năm nay toàn ngành xác định phát triển theo hướng: Tập trung đầu tư các công trình thủy lợi trong giai đoạn 2011-2015, nhất là kênh mương để mở rộng vùng chủ động tưới để tăng diện tích, năng suất sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị gia tăng cao. Phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, sản xuất sạch để phát triển bền vững, chuyển dịch mạnh cơ cấu nội bộ ngành để nâng cao hiệu quả sản xuất phù hợp với điều kiện từng vùng theo nhu cầu thị trường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật mới vào sản xuất, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất trên ha đất canh tác. Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, đầu tư thâm canh, bán công nghiệp, kết hợp chăn nuôi trang trại và hộ gia đình gắn với quy hoạch phát triển đồng cỏ, chú trọng từ khâu giống, thức ăn, công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm trong chăn nuôi để nâng cao chất lượng đàn gia súc, duy trì quy mô tổng đàn, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng đàn gia súc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với công nghiệp chế biến...
Với tinh thần đó, ngay từ những ngày đầu năm mới bắt tay vào sản xuất vụ đông xuân 2013-2014 tính đến đầu tháng 2-2014 nông dân toàn tỉnh đã gieo trồng được 24.290 ha đạt 105% kế hoạch, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó cây lúa có trên 15.900 ha, vượt 6,3% so kế hoạch, trong số này cao nhất là Ninh Phước có trên 5.445 ha, thấp nhất là Bác Ái với trên 700 ha. Ngành thủy nông đã bảo đảm nước tưới cho cây trồng; công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng được quan tâm chỉ đạo, nên đến nay tình hình dịch bệnh trên cây trồng ở diện hẹp, với mức độ nhẹ và đang được kiểm soát chặt chẽ. Công tác tuần tra, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại các địa phương được quan tâm đặc biệt…
Bằng khởi đầu thuận lợi tin rằng ngành nông nghiệp tỉnh nhà sẽ “bội thu” trong năm 2014 này.
Hạ Huyền